Hà Nội: Cảnh báo sản phụ F0 chưa tiêm vaccine chuyển nặng nhanh

Minh Nhật

(Dân trí) - Các sản phụ mắc Covid-19 thường chuyển nặng vào ngày thứ 7 và đặc biệt các bệnh nhân này diễn biến nặng nhanh.

Nhiều thai phụ F0 chưa tiêm vaccine chuyển nặng nhanh

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp sản phụ mắc Covid-19 diễn biến nặng được chuyển đến từ các tỉnh thành phía Bắc, trong đó có Hà Nội.

Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, tại khoa đang tiếp nhận điều trị 36 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có đến 31 ca phải thở máy và 5 ca chạy ECMO.

"Riêng về các sản phụ và phụ nữ sau sinh hiện khoa đang điều trị khoảng 8 ca nặng. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, đã có đến 15 trường hợp như vậy", BS Phúc cho hay.

Hà Nội: Cảnh báo sản phụ F0 chưa tiêm vaccine chuyển nặng nhanh - 1

Cấp cứu cho một sản phụ mắc Covid-19 (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý, theo BS Phúc, đa phần các trường hợp sản phụ mắc Covid-19 mà khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận, tiến triển nặng từ khoảng ngày thứ 7. Đặc biệt, các bệnh nhân diễn biến nặng nhanh.

Hầu hết các sản phụ mắc Covid-19 diễn tiến nặng đều chưa tiêm vaccine Covid-19, trong khi đó các trường hợp đã được tiêm chủng đủ mũi đa phần diễn biến nhẹ.

"Chúng tôi khuyến cáo các sản phụ nếu đảm bảo các điều kiện tiêm chủng nên nhanh chóng tiêm vaccine Covid-19 để hạn chế nguy cơ diễn biến nặng khi không may mắc bệnh, từ đó bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con", BS Phúc nhấn mạnh.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 cũng là cơ sở thực hiện thu dung và điều trị cho các thai phụ F0 trên địa bàn Hà Nội.

Trong ngày 22/12, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 có 56 bệnh nhân F0 đang điều trị, trong đó có 11 ca không triệu chứng, 32 ca triệu chứng nhẹ, 4 ca triệu chứng trung bình. Bên cạnh đó, có 22 trẻ sơ sinh đang được chăm sóc và điều trị, chưa ghi nhận trẻ nào có xét nghiệm PCR dương tính SARS-CoV-2.

Trước đó, bệnh viện đã mổ đẻ thành công cho nhiều thai phụ mắc Covid-19 có dấu hiệu suy thai.

Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, so với người bình thường, hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn nếu nhiễm phải virus đường hô hấp. Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 dễ chuyển biến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai, tăng nguy cơ cao phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao, thai nhi có nguy cơ bị sinh non, nguy cơ lây nhiễm,… thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Các mẹ bầu cần phải chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình trước đại dịch. Bên cạnh việc tiêm chủng vaccine, các mẹ bầu cần nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K, duy trì lối sống khoa học với chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Nếu thai phụ chẳng may bị nhiễm covid-19 dù đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, thai phụ không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ chỉ định.

Hơn 47% F0 tại Hà Nội đang điều trị tại nhà

Về công tác điều trị, theo số liệu cập nhật đến ngày 23/12, Hà Nội có 18.353 ca Covid-19 đang được điều trị, trong đó 9.617 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung, trạm y tế lưu động; 8.736 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, tổng số mũi tiêm do thành phố Hà Nội thực hiện được là 11.603.469 mũi.

Hà Nội: Cảnh báo sản phụ F0 chưa tiêm vaccine chuyển nặng nhanh - 2

Hơn 47% F0 tại Hà Nội đang điều trị tại nhà (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Trong đó, kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi mũi một là 5.350.282 mũi 1/5.441.731 người (đạt 98,24%); mũi 2 là 5.155.287 mũi 2/5.441.731 người (đạt 94,66%); số mũi bổ sung là 99.074, số mũi nhắc lại là 17.877.

Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi một đạt 98,3% (1.879.015 mũi /1.911.296 người); tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 95,1% (1.816.724 mũi/ 1.911.296 người); số lượng mũi bổ sung đã tiêm là 19.288 và số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là 2.480.

Kết quả tiêm cho người trên 65 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi một đạt 97,3% (703.225 mũi/722.712 người); tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 94,1% (679.766 mũi/722.712 người); số lượng mũi bổ sung đã tiêm là 7.895 và số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là 810.

Kết quả tiêm cho trẻ 12-14 tuổi, số lượng mũi một đã tiêm là 365.340 mũi/373.307 trẻ (đạt 97,9%); số lượng mũi 2 đã tiêm là 40.972 mũi.

Kết quả tiêm cho trẻ 15-17 tuổi, số lượng mũi một đã tiêm là 299.905 mũi/303.927 trẻ (đạt 99,0%); số lượng mũi 2 đã tiêm là 232.192 mũi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm