1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Bé trai nguy hiểm tính mạng vì gia đình sơ cứu sai cách

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi thấy con bị tai nạn, gia đình hốt hoảng nên đã rút que nhọn ra khiến máu chảy từ trong ổ bụng làm người cháu trắng bệch, chuyển sang tím tái

Khi đang trèo lên ghế, bé trai 10 tuổi (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã vô tình ngã vào que têm trầu để ở bình vôi. Do đầu que têm trầu nhọn, nên vết thương rất sâu, gần tim, khiến bệnh nhân mất máu nhiều, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Khi thấy con bị tai nạn, gia đình hốt hoảng nên đã rút que nhọn trên ra khiến máu chảy từ trong ổ bụng làm người cháu trắng bệch, chuyển sang tím tái rồi gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất cấp cứu. Do tình trạng nặng bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Theo ThS.BS Đỗ Đức Thắng - Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thời điểm vừa tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, tràn máu màng phổi có thể tử vong bất cứ lúc nào. Các bác sĩ bệnh viện đã nhanh chóng cầm máu, phẫu thuật cứu bệnh nhân.

Hà Nội: Bé trai nguy hiểm tính mạng vì gia đình sơ cứu sai cách - 1

Các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân (Ảnh: Sở Y tế).

Cũng theo chuyên gia này, với trường hợp có những vết thương trong cơ thể, nên để nguyên vết thương đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân. Không nên rút vật gây vết thương ra, vì sẽ khiến nguy cơ máu chảy ra ồ ạt hơn.

BS Thắng phân tích: "Đây là tai nạn rất hy hữu, bệnh nhân ngã khi bị dụng cụ têm trầu đâm phải. Đầu dụng cụ têm trầu rất nhọn nên đường vào rất khó để kiểm soát, khác với những đường vào khi bị đâm, hay tai nạn bạo lực.

Khi phẫu thuật cho bệnh nhân mở ra một vết thương đi từ khoảng khoang liên sườn số 6, số 7 ở vùng lưng đi xiên vào động mạch chủ ngực thẳng xuống. Ekip phẫu thuật đã cố gắng kẹp cầm máu và khâu cầm máu ở vị trí vết thương.

Tuy nhiên, vết thương động mạch chủ cực kỳ lớn và máu chảy rất nhanh khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Sau đó bệnh nhân đã được cầm máu và bù máu ngay trong mổ.

Kết thúc ca phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức và đã tỉnh lại sau một ngày. 5 ngày sau, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn".

Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ban đầu khi bị tai nạn rất quan trọng. Khi rút vật nhọn ra khỏi vết thương của người gặp nạn có thể gây chảy máu ồ ạt, dẫn đến tình trạng của bệnh nhân có thể nặng nề hơn. Đây là một trong những sai lầm của người dân khi cấp cứu người gặp tai nạn.

Vì vậy khi có vật nhọn đâm vào người tốt nhất không nên rút ra khỏi cơ thể người bệnh, chỉ nên cố định hoặc làm ngắn vật gây thương tích để dễ dàng vận chuyển tới bệnh viện.