Bệnh nhân thủng ruột, phải đại phẫu vì vật dụng quen thuộc sau bữa ăn
(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng đau bụng, được chẩn đoán viêm phúc mạc phải mổ cấp cứu, người đàn ông ngỡ ngàng khi bác sĩ tìm ra thủ phạm gây thủng ruột là một que tăm sắc nhọn.
Ngày 3/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.Q. (Nam, 45 tuổi) ở Bắc Ninh trong tình trạng đau bụng.
"Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, phải mổ cấp cứu. Trong khi mổ, chúng tôi tìm thấy nguyên nhân gây thủng ruột là que tăm. Bệnh nhân đã được lau rửa ổ bụng, đưa 2 đầu hồi tràng vị trí thủng ra làm hậu môn nhân tạo", TS.BS Dương Trọng Hiền - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa cho biết.
Theo TS Hiền, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu khá phổ biến, thông thường do hóc xương động vật như gà, lợn, cá hoặc do vô tình hay cố ý nuốt những dị vật như: tăm tre, que tre, kim băng, dao lam...
Trong đó, rất nhiều trường hợp hóc dị vật là tăm nhọn gây thủng ruột, bởi nhiều người Việt có thói quen ngậm tăm sau bữa ăn. Nhiều người ngậm tăm khi đang trò chuyện, thậm chí khi đi ngủ cũng ngậm tăm... Những thói quen này khiến nhiều khi họ nuốt phải tăm mà không hay biết, đến khi đau bụng, vào viện phát hiện thủng ruột, tìm ra dị vật là que tăm mới ngỡ ngàng, không nghĩ mình nuốt phải.
"Các dị vật đường tiêu hóa có thể gây những biến chứng rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu để muộn có thể thấy một số biến chứng nặng nề như áp xe thủng trung thất do thủng thực quản hoặc viêm phúc mạc do thủng dạ dày hoặc ruột. Đôi khi các dị vật đâm thủng thực quản gây áp xe trung thất ngay vùng quai động mạch chủ gây thủng rò động mạch chủ vào thực quản gây xuất huyết tiêu hóa rất nặng", TS Hiền cảnh báo.
Những bệnh nhân nuốt dị vật khi đến bệnh viện sẽ được các bác sĩ thăm khám và tiến hành chụp phim X-quang hoặc chụp phim cắt lớp vi tính đánh giá tổn thương do dị vật. Trong những trường hợp không có nguy cơ thủng đường tiêu hóa sẽ được theo dõi, một số trường hợp được uống thuốc nhuận tràng và theo dõi dị vật đi ra ngoài hoặc theo dõi quá trình di chuyển của dị vật trên phim chụp X-quang.
Những trường hợp xác định có tổn thương nằm ở thực quản hoặc trong dạ dày, bác sĩ sẽ có thể lấy dị vật bằng phương pháp nội soi ống mềm xác định dị vật và lấy dị vật qua đường này. Đối với dị vật gây thủng thực quản có thể gây tổn thương như áp xe trung thất, bác sĩ sẽ phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe, lấy dị vật, mở thông dạ dày hoặc hỗng tràng. Những trường hợp tổn thương xuống phía dưới như dạ dày, ruột non, đại tràng, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lấy dị vật, khâu lỗ thủng hay dẫn lưu hoặc làm hậu môn nhân tạo cũng như làm sạch ổ bụng.
TS Hiền khuyến cáo, người dân nên bỏ thói quen ngậm tăm. Sử dụng xong cần bỏ, không ngậm lâu trong miệng. Khi ăn uống cần chú ý các loại thực phẩm có xương như cá, gà, tránh nguy cơ bị hóc dị vật. Ở trẻ nhỏ, cần loại bỏ các loại đồ chơi nhỏ, sắc nhọn phòng nguy cơ trẻ cho vào miệng nuốt phải rất nguy hiểm.
Khi bị hóc dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, tránh tình trạng dị vật gây biến chứng nguy hiểm.