1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: 2 người đàn ông trẻ tuổi tử vong vì sốt xuất huyết

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo bác sĩ, với các bệnh nhân vào viện điều trị sớm hầu hết đều có tiên lượng rất tốt. Trong khi đó, bệnh nhân nhập viện muộn, nhất là khi đã có tình trạng sốc việc điều trị rất khó khăn.

Tuần thứ 6 liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca sốt xuất huyết

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô ghi nhận 1.378 ca sốt xuất huyết. So với tuần trước số ca mắc tăng 2,6%.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có một số quận, huyện có số ca mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca). Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Túyp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.

Hà Nội: 2 người đàn ông trẻ tuổi tử vong vì sốt xuất huyết - 1

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Nhân).

Đáng chú ý, trong tuần vừa qua Hà Nội ghi nhận 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết. 2 trường hợp này đều là nam giới, 31 và 38 tuổi. Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân vào viện ở thời điểm quá muộn. Tại thời điểm nhập viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng sốc.

Cũng theo BS Phúc, từ tháng 10 đến nay, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 10 ca bệnh.

"Với các bệnh nhân vào viện điều trị sớm hầu hết đều có tiên lượng rất tốt. Trong khi đó, bệnh nhân nhập viện muộn, nhất là khi đã có tình trạng sốc việc điều trị rất khó khăn", BS Phúc cho hay.

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 18/11, toàn thành phố ghi nhận 13.437 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện.

Một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài như tại Phùng Xá, Thạch Thất; Hồng Dương, Thanh Oai; thị trấn Phú Xuyên; Tam Hiệp, Phúc Thọ.

Đặc biệt, từ tuần 40 (tháng 10) ghi nhận số ca mắc cao trên 1.000 ca/tuần, cao hơn nhiều so với năm 2021 và trung bình 3 năm 2019 - 2021.

Theo dự báo của CDC Hà Nội, số ca sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Nhiều ổ dịch kéo dài vì phát hiện muộn, bỏ sót bệnh nhân

Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện hơn 1.400 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã thực hiện 174 chiến dịch phun diện rộng chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện.

Hà Nội: 2 người đàn ông trẻ tuổi tử vong vì sốt xuất huyết - 2

Hà Nội đang thực hiện chiến dịch phun thuốc diệt muỗi diện rộng (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch là hết sức quan trọng.

Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến kéo dài, nguyên nhân là do công tác phát hiện bệnh nhân muộn, bỏ sót bệnh nhân, xử lý ổ dịch vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

"Các địa phương cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch "làm đến đâu sạch đến đó" thì mới đạt hiệu quả cao. Lưu ý, trước khi phun hóa chất phải xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường trước thì việc phun hóa chất mới tăng hiệu quả diệt muỗi", ông Tuấn cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, thời gian tới, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân mắc tại cộng đồng, giám sát ổ dịch, giám sát véc tơ,… để có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bùng phát lây lan ra cộng đồng.

"Đối với các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường cần thực hiện một cách triệt để, CDC Hà Nội cần hướng dẫn, giám sát thường xuyên, liên tục các quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh khác", ông Cương nhấn mạnh.