“Gỡ” vướng mắc thực hiện Luật BHYT như thế nào?
(Dân trí) - Sau hơn 1 tuần áp dụng Luật BHYT sửa đổi, vướng mắc nhiều nhất người dân phản ánh là việc không được quỹ BHYT thanh toán 30% khi khám ngoại trú vượt tuyến; việc chuyển tuyến, giảm tỉ lệ chi trả thuốc chữa ung thư….
Theo bà Tống Thị Song Hương (ảnh), Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế), cơ quan quản lý cũng đã lường trước được những vướng mắc này trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên những vướng mắc này sẽ dần được giải quyết khi người dân chấp nhận với những thay đổi này.
Thưa bà, sau gần 10 ngày triển khai thực hiện luật BHYT sửa đổi, đã có những vướng mắc gì được người bệnh phản ánh? Ý kiến của bà về việc dư luận cũng cho rằng việc thực hiện Luật BHYT là quá vội vàng, khi mà nhiều người bệnh chưa biết những sửa đổi này?
So với Luật BHYT cũ, rõ ràng, Luật BHYT sửa đổi đã có sự chuẩn bị cẩn thận hơn. Chúng tôi cũng lường trước được những thắc mắc người dân trong giai đoạn chuyển tiếp này, chủ yếu là việc ngừng chi trả 30% khám ngoại tuyến như trước đó, thuốc ung thư bị cắt giảm. Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm giảm quyền lợi của người bệnh.
Xin bà nói rõ về việc không giảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT?
Về thuốc điều trị ung thư, dư luận cho rằng quyền lợi người dân bị giảm vì 4 loại thuốc trước đây được BHYT thanh toán 100% nay giảm xuống thanh toán 50%. Nói đúng ra việc giảm chi trả này không phải giảm quyền lợi người bệnh. Bởi so với trước đây, đã tăng thêm 17 loại thuốc ung thư. Và theo hội đồng chuyên môn tư vấn, danh mục thuốc này cólà đầy đủ đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh.
Trong 74 thuốc chữa ung thư có trong danh mục có đến 59 thuốc thanh toán 100%; 11 thuốc bổ sung mới và chỉ có 4 thuốc giảm mức thanh toán. Nhưng cần lưu ý, 4 thuốc này là 4 thuốc công nghệ sinh học mới đánh trúng đích mà hầu hết các quốc gia trên thế giới không đưa vào danh mục được BHYT chi trả, bởi chi phí quá lớn.
Trước đây BHYT đưa vào để tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận thuốc mới. Đến nay, tất cả những bệnh nhân đang điều trị ung thư theo phác đồ có các loại thuốc này vẫn tiếp tục được hưởng quyền lợi, BHYT chi trả 100%. Chỉ với những bệnh nhân mới phát hiện ung thư thì được hưởng 50%. Tuy nhiên cần nhấn mạnh lại, có nhiều loại thuốc thay thế chứ không có nghĩa bác sĩ không chỉ định loại thuốc này là hết thuốc điều trị cho người bệnh. 4 loại thuốc này các nước trên thế giới là không đưa vào danh mục.
Mong muốn thì vô cùng nhưng trong điều kiện nước ta, như các nhà chuyên môn phân tích, nếu tiếp tục duy trì thì quỹ có nguy cơ “vỡ”, không có điều kiện dành cho các chuyên khoa khác.
Về vấn đề không thanh toán khám bệnh ngoại trú khi bệnh nhân tự vượt tuyến lên tuyến tỉnh, trung ương đã được cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Tại kỳ họp Quốc hội, báo cáo về việc thực hiện Luật BHYT trong 4 năm cho thấy số tiền chi cho khám trái tuyến là rất lớn. Trong khi đó, tổng kết của Bộ Y tế cho thấy trong số đó đến 70% số bệnh không cần thiết phải vượt tuyến, gây quá tải kéo theo chi phí ăn ở, đi lại không cần thiết, khiến tuyến trên cũng không còn thời gian đầu tư phát triển chuyên môn sâu.
Việc làm này nhằm mục đích để người dân tuân thủ các quy định pháp luật về chuyển tuyến của Bộ Y tế, có như vậy mới quản lý được, giảm quá tải “ảo” ở BV tuyến Trung ương khi có đến 70% bệnh có thể chữa trị tại cơ sở y tế ban đầu.
Tại Việt Nam, người dân vẫn có thói quen được tham gia BHYT là được thanh toán hết. Nhưng nếu tiếp tục chi trả, rõ ràng phải nâng mức đóng thẻ BHYT. Ví dụ như tại Trung Quốc đã đạt 95% dân số có BHYT nhưng cùng chi trả lên đến 70% mới đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Thưa bà, nhiều người bệnh cho biết họ chấp nhận bỏ tiền túi để khám vượt tuyến vì không tin tưởng tay nghề, trình độ bác sĩ tuyến dưới. Như vậy phải chăng mục đích không thanh toán khám ngoại trú vượt tuyến để giảm tải bệnh viện sẽ không đạt được? Bộ Y tế sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Khám vượt tuyến ngoại trú không được quỹ BHYT chi trả và người dân sẽ không thể mãi bỏ tiền túi bởi Chính phủ cũng yêu cầu giá dịch vụ y tế dần đến tính đúng tính đủ.
Còn với tâm lý người bệnh không tin tưởng vào chất lượng y tế tuyến dưới Bộ Y tế đã nhìn thấy từ lâu và đang từng bước để nâng chất lượng điều trị ở cơ sở y tế tuyến dưới. Theo đó, Bộ Y tế ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế tuyến dưới thì đang tập trung đầu tư cho con người theo rất nhiều hình thức như Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh… để chất lượng y tế tuyến dưới từng bước được nâng lên, tạo điều kiện để người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
Với những nhóm bệnh được quy định có thể xin chuyển tuyến 1 lần có giá trị cho cả năm, người dân có được quyền chuyển tuyến từ tuyến cơ sở lên trung ương không, thưa bà?
Về nguyên tắc, Bộ Y tế không cấm nhưng cũng khuyến khích với những bệnh mà tuyến cơ sở điều trị, quản lý tốt thì người bệnh nên điều trị tại cơ sở. Việc quyết định cho chuyển tuyến là phụ thuộc vào bệnh viện cơ sở.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý các bệnh viện, vấn đề của các viện này không phải là không cho bệnh nhân chuyển đi khi họ có nhu cầu, mà phải làm sao để bệnh nhân tin và ở lại. Các bệnh viện phải nghĩ ra giải pháp để bệnh nhân ở lại với mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng điều trị để người dân tin tưởng điều trị.
Xin cảm ơn bà!
Hồng Hải