Giật mình với 10 biểu hiện trầm cảm bác sĩ cảnh báo
(Dân trí) - Soi vào 10 dấu hiệu trầm cảm mà các bác sĩ cảnh báo, nhiều người dễ giật mình bởi có thể mình cũng có tới 4 – 5 dấu hiệu, như hay quên, cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, ăn quá nhiều, giảm cảm giác ngon miệng...
Bỗng dưng giảm thích thú mỗi ngày
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai), có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa bởi từ các dấu hiệu, họ thường đến bác sĩ nội, bác sĩ đa khoa để khám.
Ngay tại Mỹ, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy ở quốc gia này có khoảng 17.6 nghìn người bị trầm cảm mỗi năm, nhưng có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Chỉ có khoảng 20% những bệnh nhân này được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ.
Có 10 dấu hiệu của trầm cảm cần chú ý:
Cảm giác buồn chán, trống rỗng
Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
Hay cáu gắt, giận dữ
Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…
TS Tâm cho biết, trầm cảm không chỉ có 10 dấu hiệu này mà còn 18 – 22 triệu chứng cơ thể nữa. Vậy nếu liệt kê, ai cũng “giật mình” thấy mình có dấu hiệu cả.
Tuy nhiên không phải bỗng dưng xuất hiện một hai dấu hiệu nhất thời trong ngày là bạn sợ bị trầm cảm. Mà nó có tiêu chuẩn về thời gian. Nếu không có yếu tố gì tác động, các triệu chứng này xuất hiện đó từ 2 tuần trở lên liên tục mới được chẩn đoán là trầm cảm.
Trong 10 triệu chứng này được xếp loại loại 3 triệu chứng chủ yếu rất đáng chú ý. Nếu thấy một người khí sắc giảm (luôn ủ dột, u sầu, chán chường); giảm ham thích so với trước đây (trước đây thích shopping, buôn dưa lê, xem phim nay cũng không thích thú); giảm năng lượng (đễ mệt mỏi). Trước đây nói chuyện cả ngày không sao, nay vài phút thấy mệt mỏi.
7 dấu hiệu còn lại là triệu chứng phổ biến. Bị trầm cảm giai đoạn nhẹ bệnh nhân có thể có 1 – 3 triệu chứng chủ yếu, và 1 – 2 triệu chứng phổ biến. Giai đoạn trầm cảm nặng, bệnh nhân có đầy đủ 8 – 10 triệu chứng.
Trầm cảm không chỉ là triệu chứng cảm xúc. Thay bằng khí sắc trầm, buồn, mất hi vọng, tự ti, giảm chú ý, luôn lo lắng… bệnh nhân lại biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể như: mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt….
Dễ tìm đến cái chết
Theo TS Tâm, nghiên cứu trên của Mỹ cho thấy có tới 48% những người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 24% những người có toan tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.
Còn tại Viện Sức khỏe tâm thần, nghiên cứu năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống.
Tại BV Bạch Mai, TS Tâm cho biết khoa ông có sự phối hợp rất chặt chẽ với Trung tâm chống độc, thường xuyên đón bệnh nhân ngộ độc vì tự tử sang điều trị. Rất nhiều trong số bệnh nhân trầm cảm tìm đến cái chết vì họ không cố vượt qua được nỗi buồn, cảm giác không muốn sống.
“Sau một thời gian dài rơi vào trạng thái suy giảm trí nhớ (bệnh nhân hầu như không nhớ gì, nhầm lẫn nhiều), trống rỗng, buồn chán, rối loạn giấc ngủ, ăn uống suy giảm… Bệnh nhân luôn cố vượt qua nỗi buồn chán, nhưng cố mãi không được, họ nghĩ đến cái chết cho xong. Cố mãi, cố mãi và không vượt qua được, cuối cùng bệnh nhân tự sát thật”, TS Tâm nói.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần mỗi ngày có tới 50 bệnh nhân trầm cảm tới khám, trong đó hay gặp nhất đến 18 – 29 tuổi. Tại Khoa cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát, đã tìm đến cái chết (tự tử).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, do nội sinh, ngoại sinh, do stress. Đặc biệt, dễ dẫn tới trầm cảm khi xảy ra các biến cố như: Mất mát người thân; Li dị, sống độc thân; Thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng; Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm; Lạm dụng rượu và các chất ma túy; Thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc; Thất nghiệp, hoặc có các bệnh cơ thể mạn tính; Bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục; Xung đột cá nhân trong các mối quan hệ.
Đặc biệt, Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần, ở người phụ nữ: sự thay đổi hormone ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số, nhưng chỉ có tỉ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Tuy nhiên rối loạn trầm cảm là rối loạn có thể chữa được để bệnh nhân ổn định và tái hòa nhập với xã hội, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng để bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa, và cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh, từ phía cộng đồng.
Bản thân người bệnh cũng hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để được giúp đỡ, tìm kiếm khả năng chống đỡ với những áp lực, vấn đề họ đang gặp phải dẫn đến trầm cảm.
Hồng Hải