1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sau chia tay người yêu, nữ sinh nhập viện vì cảm giác muốn chết

(Dân trí) - Nữ sinh năm cuối một trường đại học tại Hà Nội đang điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) sau 6 tuần liên tiếp bị mất ngủ, chán ăn và khóc một mình, nhiều lần chia sẻ không muốn sống đau khổ sau khi chia tay người yêu.

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress cho biết, đây là một trong những bệnh nhân bị trầm cảm đang điều trị tại khoa.

Người bị trầm cảm dễ có cảm giác buồn chán, trống rỗng, thấy mình vô dụng, tội lỗi, không muốn sống.
Người bị trầm cảm dễ có cảm giác buồn chán, trống rỗng, thấy mình vô dụng, tội lỗi, không muốn sống.

Tại khoa, hiện có cùng lúc 3 bệnh nhân trầm cảm muốn chết, trong đó có bệnh nhân nữ 21 tuổi này, một nữ sinh năm 2 trường Đại học Hà Nội, một nam giới và một bệnh nhân mới về hưu.

Trường hợp nữ sinh 21 tuổi trên có tiền sử khoẻ mạnh, tính cách sống vui vẻ, hoà đồng. Tuy nhiên 6 tuần nay, sau cú sốc chia tay người yêu cùng với áp lực ở trường học đã khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng mất ngủ. Mỗi đêm, bệnh nhân chỉ ngủ được 3 – 4 tiếng đồng hồ, chán ăn, gầy sút 4kg trong 6 tuần.

Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học, không muốn làm việc gì. Liên tục trong 6 tuần rơi vào trạng thái chán nản, mất ngủ và hay ngồi khóc một mình. Bệnh nhân này nhiều lần chia sẻ với mẹ về cảm giác cuộc sống không còn ý nghĩa. Từ một cô gái vui vẻ, hoà đồng, cô gái cũng trở nên thường xuyên cáu gắt, giận giữ, nhiều lần nói với mẹ không muốn sống nữa, muốn chết để đau khổ như hiện tại.

May mắn, cô gái 21 tuổi này và nữ sinh viên năm 2 đều được gia đình đưa đến viện trước khi có hành động dẫn đến tự sát.

“Bệnh nhân nam còn lại đã thực hiện hành vi tự sát bằng cách cuốn dây điện vào cổ tay, cổ chân và cắm điện”, TS Tâm cho biết.

PGS.TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khoẻ Tâm thần Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ rối trầm cảm chiếm 25%.

Trong năm 2016 Viện sức khoẻ tâm thần khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18 nghìn lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân.

Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại VSKTT năm 2016 ở những BN từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống.

Theo TS Tâm, con số khám vì bệnh lý tâm thần ngày càng tăng lên. Vào nghề được 15 năm nay, từ chỗ chỉ có 1 – 2 người khám sức khoẻ tâm thần mỗi ngày thì nay con số đó tăng lên 200 trường hợp tại Viện. Riêng về trầm cảm, trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm.

Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 18 – 45 tuổi, phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới. Hội chứng này gặp tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp.

Theo TS Tâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trong đó những năm gần đây do stress tăng lên. Áp lực cuộc sống cao, gặp nhiều sang chấn, người sống khép kín “nuốt nước mắt vào trong”… là những đối tượng có nguy cơ cao bị trầm cảm.

Ngày Sức khoẻ thế giới năm 2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề “Trầm cảm, hãy cùng trò chuyện”. Theo TS Tâm, việc chia sẻ là vô cùng quan trọng trong nhóm đối tượng này. Hãy chia sẻ, hãy nói với người xung quanh những gì ta đang đối mặt để tìm được khả năng chống đỡ những áp lực này.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm