Giám đốc BV Chợ Rẫy: Xử lý nghiêm bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc xách tay
(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định sẽ xử lý nghiêm việc cố tình vi phạm trong hướng dẫn và chỉ định thuốc cho bệnh nhân. Sẽ không được xem xét tình tiết giảm nhẹ trong những trường hợp này.
Ngày 31/8, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã ký văn bản thông báo nhắc nhở các hoạt động liên quan đến thuốc gửi đến toàn thể nhân viên của đơn vị.
Cấm bác sĩ cho bệnh nhân dùng "hàng xách tay", thuốc trôi nổi
Theo văn bản, việc sử dụng thuốc cho người bệnh là rất quan trọng. Chất lượng thuốc không đảm bảo, nguồn gốc thuốc không rõ ràng sẽ dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe bệnh nhân.
Để hạn chế nguy cơ cho bệnh nhân từ việc sử dụng thuốc không đạt chuẩn, chưa đúng quy định, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhắc nhở toàn thể nhân viên phải tuân thủ quy định hiện hành về quản lý, sử dụng thuốc trong quá trình tư vấn, hướng dẫn, chỉ định thuốc cho bệnh nhân sử dụng.
Cụ thể, tuyệt đối không được tư vấn, hướng dẫn, chỉ định cho bệnh nhân các thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc thuộc "hàng xách tay", thuốc chưa rõ nguồn gốc.
Không được phối hợp, hợp tác với các đối tượng chào mời mua bán thuốc không đúng theo quy định của pháp luật về cung ứng, mua bán thuốc. Không được hướng dẫn, giới thiệu bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân ra ngoài bệnh viện mua thuốc mà không theo quy trình quy định của bệnh viện và pháp luật.
Tuyệt đối không được đưa thuốc, vật tư y tế của cá nhân vào nhà thuốc của bệnh viện để bán, cung cấp cho bệnh nhân mà không theo quy định.
Không được dùng những thông tin y tế làm căn cứ để hướng dẫn, định hướng, lôi kéo, chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh.
Vi phạm sẽ xử lý nghiêm, không xem xét tình tiết giảm nhẹ
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đề nghị người đứng đầu các khoa lâm sàng, khoa Dược và các khoa phòng khác có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh, các hoạt động kê đơn, cung ứng và sử dụng thuốc.
Khi phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm phải nhắc nhở, điều chỉnh việc làm và xử lý ngay. Đồng thời, báo cáo giám đốc bệnh viện những trường hợp nêu trên, đặc biệt là các trường hợp mang tính tập thể, hệ thống hoặc có tổ chức.
Giám đốc bệnh viện sẽ xử lý nghiêm các cá nhân cố tình vi phạm các quy định về hoạt động liên quan đến việc hướng dẫn, định hướng, chỉ định, cung ứng và sử dụng thuốc.
"Sẽ không được xem xét tình tiết giảm nhẹ trong những trường hợp này", nội dung văn bản nhắc nhở khẳng định.
Trước đó vào tháng 7, phóng viên Dân trí đã có bài viết phản ánh việc có đối tượng ngang nhiên vào Bệnh viện Chợ Rẫy chào mời mua thuốc lậu. Đối tượng này cho biết đã tuồn thuốc ung thư trôi nổi đến nhiều bệnh viện.
Thông tin trên khiến nhiều bác sĩ lẫn những chuyên gia y tế bức xúc trước việc buôn bán thuốc lậu quá lộng hành, đồng thời khiến bệnh nhân hoang mang, vì lo nguồn thuốc điều trị không đảm bảo.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết phân tích, tại những quốc gia phát triển, các loại thuốc đặc trị được quản lý rất chặt, rất khó để mua bên ngoài. Trong khi đó tại Việt Nam, bệnh nhân tiếp cận thuốc kê đơn khá dễ.
Thậm chí, có nhà thuốc còn quảng cáo thuốc điều trị ung thư công khai. Từ chỗ dễ dàng mua thuốc, bệnh nhân sẽ có tâm lý so sánh giá, xem thuốc ở đâu bán rẻ hơn để lựa chọn. Thói quen này rất nguy hiểm.
Do đó để chấn chỉnh, hạn chế việc buôn bán thuốc lậu, thuốc trôi nổi ngoài thị trường, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý, kinh doanh dược.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM cho rằng, giải pháp để xử lý thuốc lậu trước hết và cần nhất, là thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể, cần cấp quyền cho hội nghề nghiệp, dược sĩ đoàn tham gia khâu thẩm định thuốc cùng chính quyền và giám sát, kiểm tra lẫn nhau.
Bà Phong Lan cũng đề nghị, ngành y tế, Sở Y tế TPHCM và lãnh đạo, quản lý các bệnh viện tuyến Trung ương cần ghi nhận có tình trạng mua bán thuốc lậu để chấn chỉnh, xử lý nghiêm nếu phát hiện bác sĩ, nhân viên y tế sai phạm.