TPHCM:
Ngang nhiên vào bệnh viện chào mời bác sĩ mua thuốc lậu
(Dân trí) - Hàng loạt loại thuốc lậu trị các bệnh từ xương khớp đến ung thư được đối tượng ngang nhiên vào bệnh viện chào mời bác sĩ mua cho bệnh nhân dùng, với giá "muốn kê sao cũng được".
Cuối tháng 6, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh của một số y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), về việc có người mang bảng báo giá hàng loạt thuốc lậu (thuốc nhập từ nước ngoài, không hóa đơn) vào tận các khoa chào mời mua cho bệnh nhân dùng.
Thuốc lậu vào bệnh viện mỗi ngày, giá "kê sao cũng được"?
Trong vai nhân viên y tế công tác tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, phóng viên liên hệ người đàn ông tên Q.B. hỏi mua thuốc cho bệnh nhân, theo thông tin anh này gửi lại khi chào giá cho bác sĩ.
Sau khi kiểm tra trùng khớp người giới thiệu, anh B. quảng cáo, bên mình từ thuốc xương khớp, tim mạch, viêm gan, lao phổi… đều có. Nếu là bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy thì mua thuốc lẻ vẫn được tính giá sỉ.
Nghe khách đặt vấn đề cần giấy nhập khẩu để bệnh nhân tin là thuốc thật, anh B. cho biết, thuốc của mình bán là "thuốc song song", nhập tiểu ngạch từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ về để giảm chi phí cho bệnh nhân, nên không có giấy tờ.
"Bên em cũng đi đường sân bay về như các thuốc khác, chỉ là không đóng thuế thôi" - người bán giải thích.
Phóng viên tiếp tục xin giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, với lý do để đối phó khi bị kiểm tra bất ngờ, người đàn ông cho biết, trước đây đã làm việc với nhiều bác sĩ trong bệnh viện. Khi nào bệnh nhân có nhu cầu cứ liên lạc qua số điện thoại, thuốc sẽ được mang trực tiếp từ kho đến trong 10-30 phút.
"Anh muốn để cho bệnh nhân bao nhiêu thì em sẽ để giá đó… Còn về nguồn gốc, bác sĩ cần loại nào bên em sẽ chụp lại mẫu, quay video thuốc đó gửi qua. Bệnh nhân đồng ý thì bên em mới bán" - anh B. trấn an.
Khi chúng tôi tỏ ý chấp nhận và hỏi thuốc ung thư, anh B. quảng cáo ngay: Đây là sản phẩm chính của công ty.
Để tạo tin tưởng cho khách, người bán khẳng định, anh đã cung cấp nhiều loại thuốc ung thư lậu cho bác sĩ tại một số BV trên địa bàn theo cách nêu trên.
"Như thuốc T. này 6,5 triệu đồng, em để cho bác sĩ 5,9 triệu đồng. Bác sĩ muốn kê lên 7 triệu đồng thì bên em sẽ báo giá đó cho bệnh nhân…" - anh B. hướng dẫn và khẳng định, ngày nào cũng giao hơn 10 hộp thuốc trị ung thư phổi sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Lãnh đạo các bệnh viện nói gì?
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, Trung tâm có khoảng 700 bệnh nhân đến khám, điều trị mỗi ngày. Trong đó, khoảng 250 lượt bệnh nhân điều trị bằng hóa chất truyền, 150 ca dùng thuốc viên.
Theo thường quy, bệnh nhân điều trị tại đây sau khi có bác sĩ kê toa sẽ được cấp phát thuốc tại khoa Dược, hoặc tự mua tại nhà thuốc của bệnh viện.
Tuy nhiên, trong một số tình huống bất khả kháng, thiếu thuốc, bệnh nhân phải dùng thuốc mua bên ngoài. Lúc này, khoa Dược của bệnh viện sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong việc liên hệ các công ty đặt thêm thuốc.
Các công ty này về nguyên tắc vẫn là những đơn vị đã cung ứng trước đó cho bệnh viện, nên đáp ứng đầy đủ quy định về nguồn gốc, chất lượng thuốc.
Với thuốc mua theo đường tiểu ngạch, không thông qua nhà thuốc bệnh viện, cả tính pháp lý và chất lượng đều không đảm bảo.
"Nếu bệnh nhân tiếp cận các thuốc không rõ nguồn gốc sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Bệnh viện có nhiều khoa và rất nhiều đối tượng, nên không loại trừ việc đã có tình trạng trên (mua bán thuốc lậu) xảy ra. Cảnh báo để người dân biết, tránh tiếp cận thuốc trôi nổi là điều tốt" - bác sĩ Tuấn Anh nhìn nhận.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, để kinh doanh, giới thiệu thuốc trong bệnh viện phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt.
Nếu là trình dược viên chính ngạch phải có thẻ đeo của công ty, được bệnh viện cho phép tiếp cận bác sĩ thông qua các hoạt động cụ thể, hội nghị khoa học... và không thể gặp trực tiếp bệnh nhân. Các trường hợp khác đều sai.
Trả lời phóng viên Dân trí, tiến sĩ, bác sĩ Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, sẽ nêu vấn đề này trong cuộc họp giao ban để xác minh.
Bác sĩ Dũng khẳng định, nếu bác sĩ mua thuốc trôi nổi cho bệnh nhân dùng là sai hoàn toàn.
"Kể cả việc bác sĩ kê toa cho bệnh nhân tự ra ngoài mua thuốc cũng không được phép. Chúng tôi có quy định rất chặt chẽ.
Thuốc nào không có trong bệnh viện sẽ đề xuất khoa Dược đi mua, hoặc chuyển nhượng lại từ các bệnh viện khác" - bác sĩ Dũng khẳng định.
Còn tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, ông chưa nghe thông tin về tình trạng chào mời, dùng thuốc lậu trong bệnh viện. Nếu phát hiện, bệnh viện sẽ báo công an ngay để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
"Hiện chúng tôi vẫn cơ bản đủ thuốc. Nếu không có thuốc biệt dược gốc thì cũng có thuốc generic (thuốc công thức) thay thế " - bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy phân tích, tại những quốc gia phát triển, các loại thuốc đặc trị được quản lý rất chặt, rất khó để mua bên ngoài. Trong khi đó tại Việt Nam, bệnh nhân tiếp cận thuốc kê đơn khá dễ.
Thậm chí, có nhà thuốc còn quảng cáo thuốc điều trị ung thư công khai.
Từ chỗ dễ dàng mua thuốc, bệnh nhân sẽ có tâm lý so sánh giá, xem thuốc ở đâu bán rẻ hơn để lựa chọn. Thói quen này rất nguy hiểm.
Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, thuốc nếu qua đấu thầu gần như có giá thấp nhất. Tất cả thuốc bán trong bệnh viện đều phải thông qua hội đồng khoa học kỹ thuật.
Cũng theo bác sĩ Tuấn Anh, thuốc là mặt hàng đặc biệt. Với thuốc điều trị ung thư có đặc tính gây độc, dùng quá liều sẽ nguy hiểm, nên ngoài toa thuốc còn cần có hồ sơ điều trị do bệnh viện cung cấp.
Để chấn chỉnh, hạn chế thuốc ung thư trôi nổi ngoài thị trường, bác sĩ điều trị ung thư cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý, kinh doanh dược.