Gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm tuồn ra thị trường, làm thế nào nhận biết?
(Dân trí) - Cơ quan chức năng vừa phát hiện gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm được đưa ra thị trường. Điều này khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Vậy làm thế nào để phân biệt được giá đỗ ủ hóa chất và giá đỗ sạch?
Các đối tượng pha hóa chất để ủ giá nhằm làm cho rễ cây giá ngắn lại, tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp. Trong năm, nhóm này đã bán ra thị trường gần 3.000 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích sinh trưởng.
Hoạt chất này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép dùng trong nông nghiệp, cho cây mọc rễ nhanh, ra hoa, trái nhanh. Như vậy, hóa chất này dùng cho cây trồng, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
"Vì là chất kích thích sinh trưởng nên hóa chất này rất nguy hiểm khi con người tiêu thụ. Nó gây rối loạn các quá trình sinh trưởng phát triển của cơ thể, các tế bào phát triển không bình thường, nhất là các tế bào thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, khiến thai nhi phát triển không bình thường, có thể dẫn đến đẻ non, não úng thủy, dị tật…", PGS Thịnh phân tích.
Cách nhận biết giá đỗ sạch
Khi ngâm trực tiếp với giá đỗ, dung dịch chất tăng trưởng 6-benzylaminopurine sẽ thẩm thấu sâu vào trong thân của cọng giá.
Chất 6-benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit. Vì thế, giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch được benzylaminopurinene này. Dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Theo PGS Thịnh, đậu đỗ cũng là một loại cây, mọc từ hạt, khi dùng hóa chất 6-Benzylaminopurine sẽ làm ra rễ nhanh, cây mập mạp, trắng trẻo hơn bình thường. Nó là chất kích thích sinh trưởng nên khi sử dụng để ngâm giá đỗ, sản phẩm sẽ khác biệt một chút với sản phẩm được làm theo cách truyền thống.
"Giá đỗ làm theo cách truyền thống sẽ không mập, rễ không dài. Nhìn bằng mắt thường, các sản phẩm này có vẻ không đẹp so với các sản phẩm có sử dụng chất kích thích (béo mập, mỡ màng hơn, giòn, dễ gãy hơn). Giá đỗ sạch cũng có màu vàng tự nhiên, không có màu trắng sứ như các sản phẩm ngâm hóa chất", PGS Thịnh nói.
Vì thế, ông khuyên người tiêu dùng, khi mua sắm, thấy giá đỗ bất thường, hơi khác thường thì không nên mua, đừng nhắm mắt mua chỉ vì thấy đẹp.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với loại giá đỗ được dùng hóa chất và thuốc kích thích.
Theo đó, ngoài hóa chất trên, nắm được tâm lý người tiêu dùng thích loại mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (để diệt phần rễ cây mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại.
Khi đem những loại đỗ này làm nộm hoặc xào tái, ta thấy nước màu đục từ giá đỗ chảy ra.
Sáng 26/12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đơn vị đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trước đó, kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, lực lượng chức năng phát hiện một loại chất lỏng không màu là hoạt chất 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để ngâm ủ giá.