F0 tại nhà cần làm gì khi có các triệu chứng của Covid-19?

Nam Phương

(Dân trí) - Hầu hết các bệnh nhân mắc Covid-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi…

Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu với virus và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng. 

- Sốt

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết sốt là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Covid-19. Nếu sốt nhẹ, không quá ảnh hưởng đến cơ thể, bệnh nhân không cần uống thuốc hạ sốt. Những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì hầu như không sốt.

Người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì uống mỗi lần một viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên. Đồng thời uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Có thể sử dụng.

Trẻ em sốt trên 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Có thể dùng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người bệnh cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.

Bộ Y tế hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà cho F0

- Ho, hắt hơi

Đây cũng là những triệu chứng thường hợp ở các F0. Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm ho nếu ho nhiều gây khó chịu, gây đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ... 

- Buồn nôn và nôn

Việc nôn có thể khiến cơ thể bị mất điện giải, mệt mỏi nên bệnh nhân có thể uống oresol hoặc dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn.

- Đi lỏng

Việc đi lỏng quá nhiều có thể khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.

"Với các triệu chứng trên, F0 chỉ cần điều trị như thông thường. Thường ngày khi bị cúm, bị sốt virus chúng ta xử lý như thế nào thì khi mắc Covid-19, chúng ta cũng xử lý y như vậy, lưu ý bù đủ nước và điện giải", BS Hoàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người bệnh có thể thấy đau nhức mình mẩy, đặc biệt là các khớp. Một số có thể bị mẩn ngứa, dị ứng, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng thông thường. Bệnh nhân cũng có thể thấy căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, một số thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99% thì đó là do tâm lý. 

Với những trường hợp bị mất khứu giác, vị giác, BS Hoàng khuyên F0 cần ăn uống ngủ, nghỉ tốt sau Covid-19, tập hít các mùi vị, ăn các món ăn quen thuộc, thường sau khoảng 4-6 tuần thì khứu giác và vị giác trở lại bình thường. 

Dưới đây là 11 dấu hiệu chuyển nặng F0 tại nhà cần lưu ý để thông báo ngay với Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, trạm y tế xã, phường hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu…

1. Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

2. Nhịp thở

- Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút.

- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.

Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.

3. SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

4. Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

5. Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

6. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7. Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

8. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9. Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

10. Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc Covid-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

Ngoài ra, người bệnh nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng (ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…) và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.