1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 mới tại Cầu Giấy từng mắc Covid-19 cách đây 10 tháng: Chuyên gia nói gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Sáng 7/9, Sở Y tế Hà Nội có công bố F0 là ông N.T.P., sinh năm 1968, địa chỉ Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Bệnh nhân có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8/11/2020 tại Nga.

Liên quan đến trường hợp F0 vừa được ghi nhận tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy đã có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 8/11/2020 tại Nga, bà Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho hay, sau khi nhận được thông tin về trường hợp dương tính này, lực lượng y tế của quận đã cấp tốc vào cuộc để điều tra, truy vết.

Qua điều tra, bước đầu xác định người này có tiếp xúc gần với vợ và một số người ở cơ quan. Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng đang truy vết những địa điểm có liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân này như tại quận Ba Đình hay điểm tiêm chủng ở Trung Liệt mà người này đã đến tiêm vắc xin ngày 3/9.

F0 mới tại Cầu Giấy từng mắc Covid-19 cách đây 10 tháng: Chuyên gia nói gì? - 1

"Nhìn chung vì Hà Nội đang giãn cách xã hội nên việc tiếp xúc là không nhiều. Hiện tại, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, truy vết để xác định nguồn lây của trường hợp này vì người vợ của bệnh nhân đã có kết quả âm tính SARS-CoV-2. Đây cũng là một ca bệnh rất đặc biệt nên chúng tôi vẫn đang theo dõi sát", bà Hà cho hay.

Nhận định về ca bệnh này, TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho hay, để khẳng định bệnh nhân là tái nhiễm virus SARS-CoV-2 hay do bài xuất virus chậm từ lần nhiễm trước (trong mẫu bệnh phẩm chứa các mảnh xác virus thì vẫn có thể cho kết quả dương tính) thì phải thực hiện giải trình tự gen của loại virus mà người đó đang mắc phải và so sánh với chủng virus của lần mắc bệnh trước.

Trong trường hợp đó là 2 chủng virus khác nhau có thể khẳng định bệnh nhân đã bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong trường hợp cùng chủng virus, có 2 khả năng có thể xảy ra: tái nhiễm cùng chủng virus hoặc là bài xuất virus chậm.

"Tuy nhiên, lần nhiễm virus đầu tiên của người này đã cách đây gần một năm nên xác suất do bài tiết xác virus chậm là rất thấp. Các ca bài xuất xác virus chậm nhất được ghi nhận là khoảng 3,5 tháng", TS Điền phân tích.

Miễn dịch thu được sau khi mắc Covid-19 là không bền vững, trên thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp bị tái nhiễm chủng virus khác sau khi khỏi bệnh. Chủng virus lưu hành phổ biến vào năm trước là chủng Alpha và Beta, trong khi ở thời điểm hiện tại chủng Delta đang thống trị toàn cầu. Do đó, người đã khỏi bệnh hoàn toàn có khả năng bị tái nhiễm.

Trong trường hợp tái nhiễm, theo TS Điền, bệnh nhân vẫn có nguy cơ lây lan mầm bệnh. Tuy nhiên khả năng lây lan có thể ít hơn vì cơ thể đã có miễn dịch chéo giữa các chủng với nhau.

Như Dân trí đã đưa tin, sáng 7/9, Sở Y tế Hà Nội có công bố một F0 là ông N.T.P., sinh năm 1968, địa chỉ Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Bệnh nhân có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8/11/2020 tại Nga. Ngày 3/9, bệnh nhân có đi tiêm vắc xin tại Trung Liệt. Ngày 6/9, bệnh nhân đưa người nhà đi khám được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Hiện người này không có triệu chứng điển hình nào.