F0 điều trị tại nhà trong dịp Tết cần lưu ý điều gì?

Hồng Hải

(Dân trí) - Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, số F0 mới vẫn duy trì ở mức cao, chủ yếu điều trị tại nhà. Chuyên gia khuyến cáo F0 điều trị tại nhà trong dịp Tết cần lưu ý những vấn đề dưới đây.

Kiểm soát SpO2

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, F0 điều trị tại nhà đa phần là bệnh nhân không triệu chứng, hoặc biểu hiện nhẹ như sốt, đau người, mất vị giác...

Tuy nhiên, dù không biểu hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi chỉ số oxy máu (SpO2) mỗi ngày 2 lần.

Tình trạng thiếu oxy hòa tan trong máu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn.

"Điều nguy hiểm là, ở một số bệnh nhân, họ không phát hiện dấu hiệu thiếu oxy nên rất muộn mới phát hiện ra, khi vào viện đã nguy kịch", BS Cấp cho biết.

F0 điều trị tại nhà trong dịp Tết cần lưu ý điều gì? - 1

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà (Ảnh minh họa: PV).

Đáng nói, không thể biết được ai có nguy cơ bị thiếu oxy. Cũng như một số bệnh nhân Covid-19 bị mất mùi, mất vị, chúng ta không biết ai có nguy cơ mất mùi, mất vị, chỉ khi xuất hiện mới biết. Tương tự với thiếu oxy, có những bệnh nhân mất cảm giác khó thở, dù nồng độ oxy máu giảm nhưng không cảm nhận được, chỉ đến khi mệt lả, ngất xỉu mới phát hiện nguy cơ này.

Thiếu oxy (nồng độ oxy trong máu giảm) ở bệnh nhân Covid-19 phản ánh tổn thương phổi mà cơ thể vượt qua ngưỡng có thể bù trừ được. Tổn thương phổi hầu hết bệnh nhân Covid-19 đều có, chỉ khác mức độ nhiều, ít khác nhau.

"Trên 70% bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu tổn thương rất là nhỏ, cơ thể bù trừ được, không gây ảnh hưởng gì. Tổn thương lớn hơn khiến cơ thể không bù trừ được, biểu hiện là tụt oxy trong máu. Lúc này cần có sự hỗ trợ của các biện pháp hồi sức", BS Cấp khuyến cáo.

Việc điều trị F0 trong cộng đồng, theo dõi F0 nhẹ ít triệu chứng tại nhà, tốt nhất là tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu sẽ là khá muộn.

BS Cấp khuyến cáo, với F0 đang điều trị tại nhà, có thể chủ động trang bị máy đo SpO2. Trong trường hợp không có sẵn, người bệnh cần kết nối với y tế cơ sở để được khám, đánh giá chỉ số oxy máu hàng ngày. Họ cũng là lực lượng sẽ hỗ trợ F0 đến bệnh viện đúng tuyến khi có dấu hiệu trở nặng.

F0 điều trị tại nhà mỗi ngày cần chủ động đo 1-2 lần theo hướng dẫn. BS Cấp nhấn mạnh, có những người nồng độ oxy máu thấp nhưng người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào. Vì thế, bệnh nhân Covid-19 dù không triệu chứng vẫn được khuyến cáo đo SpO2 đều đặn để phát hiện nguy cơ này. Phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được kết nối chuyển đến các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Tránh nguy cơ phát hiện muộn, vào viện tổn thương phổi đã khá nặng nề, điều trị sẽ khó khăn hơn.

Dùng thuốc theo chỉ định

BS Cấp khuyến cáo, F0 cần bình tĩnh điều trị. 80% F0 không có triệu chứng, hoặc biểu hiện triệu chứng nhẹ, chỉ cần dùng các thuốc thông thường như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể. Còn các thuốc kháng virus , kháng viêm, chống đông máu tuyệt đối không được dùng bừa bãi bởi có thể gây hại

Các thuốc hạ sốt, vitamin mỗi người cũng nên chuẩn bị chủ động trong tủ thuốc gia đình. Đây đều là những thuốc thông thường, rất phổ biến, phòng cho tình huống bỗng nhiên trở thành F0 không thể tự đi mua được. Các thuốc này cũng được dùng phổ biến để hạ sốt, tăng cường sức khỏe trong các bệnh lý khác.

BS Cấp cho biết, một số bệnh nhân Covid-19 bị mất khứu giác, vị giác, thậm chí mất luôn cảm giác đói, khát, dẫn đến ăn uống không đầy đủ rất nguy hiểm.

Với những F0 này, người thân phải luôn nhắc họ ăn uống đầy đủ, ăn các đồ ăn mềm, dễ nuốt, luôn ý thức không ngon miệng cũng phải cố ăn. Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà nên bổ sung điện giải bằng nước oresol, các loại nước trái cây như nước cam, nước bưởi, nước dưa hấu...

11 dấu hiệu người bệnh cần được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu…

Cụ thể:

1. Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

2. Nhịp thở

+ Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút.

+ Trẻ từ một đến dưới 5 tuổi: nhịp thở: ≥ 40 lần/phút.

+ Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.

Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.

3. SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.

4. Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

5. Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo)

6. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7. Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

8. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9. Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

10. Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm Covid-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.