Dùng huyết tương người khỏi điều trị bệnh nhân Covid-19 như thế nào?
(Dân trí) - Theo chuyên gia, đây là phương pháp điều trị duy nhất để ngay lập tức cung cấp kháng thể cho người bệnh, nhằm khống chế hoặc tiêu diệt virus.
Hướng đi mới trong điều trị Covid-19
Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiến hành vận động những bệnh nhân Covid-19 đã điều trị khỏi hiến huyết tương, để phục vụ nghiên cứu phương pháp điều trị mới.
Theo TS Đinh Văn Tráng, Phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học Phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là điều phối chính của Đề tài, trong bối cảnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho Covid-19, phương pháp dùng huyết tương của người bệnh đã hồi phục được đánh giá là một hướng đi mới có tiềm năng, nhằm bổ sung thêm công cụ cho bác sĩ trong điều trị, đặc biệt là những trường hợp bệnh tiến triển trung bình và nặng.
“Nhiều loại thuốc kháng virus, từ thuốc kháng HIV cho đến thuốc sốt rét đều đã được thử nghiệm lâm sàng ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng không thực sự hiệu quả trong điều trị Covid-19. Do đó, người ta phải nghĩ đến phương án mới” – TS Tráng phân tích.
Về nguyên lý của phương pháp này, TS Tráng giải thích, truyền huyết tương có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là liệu pháp kháng thể thụ động, liên quan đến việc sử dụng kháng thể chống lại 1 tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra.
Chuyên gia này nêu dẫn chứng: “ Ví dụ tác nhân là virus SARS-CoV-2, chúng ta dùng huyết tương của người mắc bệnh đã hồi phục, vốn đã chứa kháng thể, truyền vào bệnh nhân Covid-19, để trung hòa virus trong cơ thể người đó”.
Kháng thể thụ động là phương pháp điều trị duy nhất để ngay lập tức cung cấp kháng thể cho người bệnh, nhằm khống chế hoặc tiêu diệt virus.
Huyết tương người khỏi bệnh: Cứu cánh của nhiều đại dịch
Trên thực tế, đây là phương pháp không hề mới mẻ. Vào đầu thế kỉ 20, huyết tương người bệnh đã hồi phục đã được sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh gây ra bởi virus như viêm đa cơ, sởi, quai bị và cúm.
Phương pháp này cũng đã chứng minh được tính hiệu quả với các dịch bệnh gây ra bởi virus thuộc họ corona như dịch SARS (bùng phát năm 2003) và dịch MERS (bùng phát năm 2012).
Hiện tại, cũng đã có một vài báo cáo nhỏ lẻ về thành công bước đầu của phương pháp kháng thể thụ động được thực hiện ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.
“Nhìn từ lịch sử, kháng thể thụ động là cứu cánh rất lớn cho các đại dịch. Hiểu đơn giản, với một lượng người khỏi bệnh thì bằng phương pháp này cũng sẽ có thêm một lượng như vậy bình phục” – TS Tráng nhấn mạnh.
Đã có 5 người đăng kí hiến huyết tương
Nhóm nghiên cứu kì vọng huyết tương của người khỏi sẽ có thể cứu các bệnh nhân nghiên trọng thoát khỏi nguy cơ tử vong. Đồng thời, ngăn chặn bệnh nhân ở mức độ nặng hoặc trung bình nặng tiến triển trầm trọng hơn.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người đã từng mắc Covid-19 hiến huyết tương, để hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh nhân, nói rộng ra là chung tay cùng cả nước chống lại đại dịch” – TS Tráng nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, từ thời điểm bắt đầu vận động đến nay, đã có 5 người đăng kí hiến huyết tương. Qua sàng lọc, hiện có 2 người đã đủ điều kiện để hiến, trong đó có 1 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã từng bị lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19.
Người đủ điều kiện hiến huyết tương phải từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi (xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, không còn triệu chứng lâm sàng...), sau xuất viện 14 ngày trở lên, tuổi từ 18 đến 65, nặng trên 50 kg với nam và trên 45kg với nữ. Người hiến sẽ được khám sàng lọc trước để đảm bảo không mang các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, giang mai...
Đề tài nghiên cứu mang tên: "Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân bị Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi"
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm đồng chủ nhiệm đề tài.