Đua nhau tăng viện phí kịch trần

Thông tin 447 dịch vụ y tế sẽ tăng giá khiến các bệnh viện (BV) “thở phào” trước việc gồng mình chịu trận lỗ lâu nay. Điều đáng nói là các BV đua nhau đăng ký tăng lên giá kịch trần, mặc cho sự chênh lệch giữa các tuyến điều trị...

Đua nhau tăng viện phí kịch trần

Nhiều bệnh viện tại TPHCM đã tăng viện phí từ lâu

 

Tăng giá kịch trần để đón đầu

 

Chiều 24/4, Sở Y tế Hà Nội đã họp với các BV trực thuộc để nói rõ yêu cầu: Các BV sẽ đưa ra khung giá mới trên cơ sở thực thanh, thực chi. Nghĩa là các BV sẽ làm lại giá, căn cứ vào giá điện, nước, vật tư tiêu hao... tính toán chi phí thực để đưa ra giá, nhưng không được vượt trần bộ đã quy định. Các BV hạng 1, hạng 2 sẽ họp riêng và đưa ra bảng giá phù hợp cho phân hạng của mình. Phải có những tiêu chí này trình thì mới thuyết phục được UBND TP phê duyệt.

 

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng đã yêu cầu: “Thông tư đã quy định khá chi tiết các cơ cấu giá thành của từng dịch vụ nên các BV sẽ không thể đề xuất mức phí quá cao được. Vì như chi phí cho giường bệnh không đạt chuẩn, không có điều hòa thì không thể đòi thu phí cao...  Đối với BV hạng 1, BV đặc biệt thì đề xuất mức tối đa là hợp lý, còn BV hạng 2, 3 phải thu thấp hơn”.

 

Tuy nhiên, trong hội nghị triển khai thông tư 04 tại Hà Nội sáng 23/4 vừa qua, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó TGĐ BHXH VN, cho hay: Đến thời điểm này, hầu hết các BV đã xây dựng khung giá viện phí trình phê duyệt, đưa ra khung giá ở mức tối đa. Như vậy là bất hợp lý vì chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các tuyến điều trị, hạng BV thì giá khác nhau và không được vượt trần”. GĐ một BV hạng 1 ở Hà Nội nhận định: “Khả năng các BV đưa ra bảng giá kịch trần là rất cao, bởi đây là bảng giá sẽ áp dụng cho một thời gian dài nhất định, phải tính đến yếu tố trượt giá, đón đầu.

 

Vả lại, đây cũng chỉ là giá một phần viện phí, chứ chưa phải tính đủ nên họ không dại gì đưa ra một mức giá thấp hơn giới hạn cho phép. Các BV hạng 1 hay 2 đều lý luận dù họ ở hạng nào cũng phải sử dụng từng đó các chi phí cơ sở vật chất, điện nước, vật tư tiêu hao chứ không được mua với giá thấp hơn. Thực tế, hầu hết các BV khi xây dựng khung giá viện phí trình phê duyệt đều đưa ra ở mức tối đa, bất chấp chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các tuyến điều trị, hạng bệnh viện... Thậm chí, nhiều BV xây dựng giá dịch vụ y tế không đúng theo pháp luật giá và tăng 20% so với giá trần.

 

Tại TPHCM, các BV đã truyền nhau cách tăng như: Nếu giá dịch vụ nào có mức giá dưới 500.000 đồng thì khi xây dựng khung giá tăng 100% theo mức tối đa của Bộ Y tế, nếu giá dịch vụ ở mức trên 500.000 đồng thì tăng từ 85-90%. Thậm chí, việc tăng giá cũng được các BV ngầm tham khảo lẫn nhau để khỏi bị vượt trội giá hoặc giá không bị xuống thấp... Thậm chí, nhiều BV khi đưa ra mức tăng giá khám, điều trị kịch trần cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn mức giá mà các BV đã thu trước đây.

 

BV đua nhau xây dựng giá dịch vụ khám - chữa bệnh lên kịch trần. Ảnh: V.T

 

Cụ thể, tại BV Nhi Đồng 1, khám thông thường có giá 30.000 đồng/ lượt từ nhiều  năm nay. Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2, mỗi lượt khám từ 30.000 đồng, còn khám dịch vụ là 60.000 đồng. Các BV khác điều trị cho người lớn như: BV Nhân Dân Gia Định, BV Bệnh nhiệt đới là 20.000 đồng/lượt khám hay một BV tuyến quận, huyện là BV Đa khoa Tân Bình cũng 20.000 đồng/lượt khám. Tại BV Ung bướu, giá khám dịch vụ lâu nay là 30.000 đồng/lượt, giá một giường bệnh là 100.000 đồng/ngày. BV Chợ Rẫy thì tiền khám bệnh là 30.000 đồng/lượt khám...

 

Quy định cụ thể để tránh đua nhau tăng kịch trần

 

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, cho rằng, các BV phải công khai bảng giá các dịch vụ để người bệnh biết. Tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong cơ cấu giá. Liệu có hợp lý khi các BV có sự “chênh lệch” giữa các tuyến, thương hiệu ào ào đưa ra mức giá kịch khung, ai kiểm soát việc thu phí, khám dịch vụ?

 

Việc đưa ra khung giá theo kiểu tăng “cào bằng” giữa các BV liệu có hợp lý? Hội đồng thẩm định giá viện phí cần nhanh chóng có cuộc họp để tính toán chi tiết trong việc phân nhóm BV để quy định mức thu cụ thể đối với các kỹ thuật, thủ thuật ở BV hạng đặc biệt, trung ương, tỉnh, quận huyện... Nếu không quy định rõ, việc tăng giá kịch trần sẽ tiếp tục tái diễn và nạn nhân hứng chịu chính là những người chưa tham BHYT.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, BV khi triển khai tự chủ tài chính, giám đốc BV không được giao khoán mức thu, chi cho khoa phòng, đơn vị thuộc BV như từng diễn ra tại một số nơi gây bức xúc cho người bệnh. Bộ Y tế cũng lưu ý địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế để đề xuất mức viện phí phù hợp, tránh hiện tượng đề xuất viện phí vượt khung để được phê duyệt theo mức kịch trần trong khung, trong khi điều kiện người dân tại địa phương còn khó khăn. Bà Xuyên nhận định: “Khi triển khai thông tư 04, một số địa phương chưa hiểu rõ. Bộ sẽ thêm một hướng dẫn chi tiết để các cơ sở y tế hiểu rõ hơn, xây dựng mức viện phí mới cho đúng”. Tuy nhiên, khó có thể nói rằng trên thực tế các BV chưa hiểu rõ thông tư 04, bởi đây là vấn đề liên quan đến “nồi cơm” sống còn của mỗi BV.

 

Mục tiêu của Bộ Y tế trong đợt tăng giá viện phí lần này là nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. 

 

Theo Võ Tuấn - Quang Duy

Lao động