1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đưa hẳn tử cung ra ngoài cơ thể để phẫu thuật cột sống cho thai nhi

(Dân trí) - “Quả trứng” màu đỏ lấp lánh này là tử cung của một phụ nữ, trong đó có một em bé, được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ trước khi sinh, trong một ca mổ mang tính đột phá.

Các bác sĩ đã sử dụng một kỹ thuật thử nghiệm trong đó tử cung được nhấc ra khỏi cơ thể người mẹ để phẫu thuật cho thai nhi
Các bác sĩ đã sử dụng một kỹ thuật thử nghiệm trong đó tử cung được nhấc ra khỏi cơ thể người mẹ để phẫu thuật cho thai nhi

Các bác sĩ Mỹ đã đi tiên phong trong một cách điều trị mới đáng kinh ngạc cho tật đốt sống chẻ đôi, trong đó em bé được phẫu thuật từ trước khi chào đời.

Cột sống chẻ đôi (spina bifida) xảy ra khi cột sống và tủy sống của em bé không phát triển đúng cách gây ra khe hở ở cột sống. Bệnh xảy ra ở 24/100.000 trẻ sơ sinh và hiện ở Anh có 14.000 người đang phải sống chung với tình trạng này khiến người bệnh không thể đi lại, ứ dịch trong não, tiểu tiện không tự chủ và các biến chứng khác.

Phẫu thuật trong bụng mẹ để điều trị spina bifida đã trở nên phổ biến kể từ những năm 1990, nhưng cố gắng sửa chữa cột sống trong khi em bé vẫn ở trong bụng mẹ rất khó khăn và việc rạch vào tử cung sẽ gây nguy cơ đẻ non.

BS Michael Belford thuộc trường Y Baylor ở Houston, Texas, đã phát triển một kỹ thuật mới để đưa em bé và tử cung ra ngoài để có thể sửa chữa khiếm khuyết tủy sống trước khi nước ối ăn dần ăn mòn khoảng trống trong mô thần kinh tủy sống sống.

Mặc dù tử cung vẫn nối với người mẹ, nhưng khi được đưa ra ngoài, bác sĩ có thể hút dịch, chiếu sáng và phẫu thuật thông qua những vết mổ rất nhỏ.

Một trong những ca mổ đầu tiên đã được thực hiện vào tháng trước trên cô Lexi Royer, 28 tuổi, một thợ làm tóc, ban đầu được đề nghị phá thai, nhưng thay vào đó người mẹ trẻ đã quyết định tham gia ca mổ thực nghiệm khi thai nhi trong bụng được 24 tuần tuổi.

Trong ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ tại Bệnh viện Nhi Đồng Texas ở Houston, BS. Belfort đã mở bụng của Royer, nhưng thay vì rạch tử cung, các bác sĩ đã đưa toàn bộ tử cung ra ngoài qua vết mổ. Sau đó, họ rạch hai đường ở tử cung, một để đưa máy soi thai - một máy quay nhỏ được thiết kế để chiếu sáng và ghi hình ảnh bên trong - và một để đưa dụng cụ phẫu thuật.

Các bác sĩ đã bơm CO2 để giữ cho tử cung phồng lên, cho phép họ có không gian để thao tác và để nhìn thấy cột sống dễ dàng hơn.

Sau khi tiêm thuốc gây mê cho em bé, nhóm nghiên cứu đã kéo da phủ lên chỗ tủy sống bị hở và khâu cố định nó tại chỗ. Sau đó họ bơm nước muối vào tử cung và đặc nó trở lại vào bụng của cô Royer.

Dự kiến em bé con của Royer sẽ chào đời vào tháng Giêng năm sau.

Đã có 28 ca thành công

Để phát triển quy trình này, BS. Belfort và đồng nghiệp là BS. Whitehead đã mất 2 năm thực hành trên cừu và một quả bóng cao su với một con búp bê bọc trong da gà để mô phỏng khiếm khuyết của dị tật cột sống chẻ đôi.

Nhóm nghiên cứu đã báo cáo về công trình của mình trên tạp chí Obstetrics and Gynecology sau 28 ca mổ thành công, trong đó không có thai nhi nào bị chết, và chỉ có một trường hợp cần dẫn lưu dịch khỏi não. Một số bà mẹ cũng không cần mổ đẻ.

BS. Belfort hiện đang giúp đào tạo các đồng nghiệp tại Đại học Stanford, tuy nhiên một số bác sĩ cảnh báo rằng việc bơm CO2 vào tử cung trong quá trình này có thể gây hại cho em bé và gây ra các vấn đề thần kinh về sau này.

BS. Katie Morris, giảng viên lâm sàng cao cấp và cố vấn Bộ môn Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, Đại học Birmingham, nói rằng phụ nữ ở Anh vẫn sẽ được gửi đi phẫu thuật trong tử cung như hiện nay vì cần có thêm bằng chứng cho thấy kỹ thuật mới này là an toàn.

"Tất cả các kỹ thuật này đều đáng chú ý và rất mới ở chỗ chúng cho phép điều trị ngay từ trong bụng mẹ, nhưng vì số ca mổ còn ít nên nó chưa được phổ biến rộng rãi, và hiện nay nếu người mẹ đến chỗ chúng tôi và yêu cầu phẫu thuật cho đứa con trong bụng thì chúng tôi sẽ chuyển họ đên Bỉ để mổ mở vì phẫu thuật này đã có kết quả dài ngày hơn", bà nói.

Cẩm Tú

Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm