Đột tử khi ngủ: Căn bệnh hiểm không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ

Biên Thùy

(Dân trí) - Các bác sĩ cho biết, có một hội chứng được gọi là "sát thủ trong giấc ngủ", khiến bệnh nhân ngưng thở và gặp nguy hiểm tính mạng.

Mới đây, dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa khi Bệnh viện nhi Trung ương (Hà Nội) liên tiếp ghi nhận hai trường hợp trẻ 6 tháng tuổi và 3 tuổi đột tử khi ngủ chỉ trong ít ngày. Cả hai trường hợp khi được phát hiện đều có dấu hiệu tím tái, ngưng thở. Thậm chí, một trong số 2 bé còn đang ngủ cạnh cha mẹ.

Trẻ bất ngờ tử vong khi đang ngủ để lại ám ảnh tâm lý rất lớn cho gia đình. Và theo các bác sĩ, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở người lớn, nếu mắc phải căn bệnh "sát thủ trong giấc ngủ".

Ngủ ngáy, ngủ ngày quá mức: Coi chừng gặp nguy hiểm

Đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, hội chứng ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea - OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm, kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.

Đột tử khi ngủ: Căn bệnh hiểm không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ - 1

Hội chứng OSA được ví như "sát thủ trong giấc ngủ" (Ảnh: Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM).

Bệnh nhân ngưng thở trong lúc ngủ thường duy trì khoảng trống đường thở trong khi thức, nhưng lại biểu hiện tắc nghẽn khi đi sâu vào giấc ngủ.

Giấc ngủ sâu sẽ bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn trầm trọng và kích thích tỉnh giấc để đi vào giấc ngủ nông. Sự tỉnh giấc này tái lập lại đường thở đi kèm với hít hơi dài.

Theo các bác sĩ, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở nam giới và người trong độ tuổi trung niên. Những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (như amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to,…), uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc an thần hoặc trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.

Người bị hội chứng OSA thường có các biểu hiện như:

- Ngủ ngáy (dấu hiệu phổ biến nhất): Bệnh nhân ngáy to nhất khi nằm ngửa, có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ là ngưng thở.

- Mệt mỏi cả ngày: người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.

- Buồn ngủ vào ban ngày: bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.

- Đau đầu khi thức dậy: do thay đổi nồng độ oxy não trong đêm.

Đột tử khi ngủ: Căn bệnh hiểm không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ - 2

Người bị hội chứng OSA có thể ngủ khi đang lái xe (Ảnh minh họa: Biên Thùy).

Về mặt hậu quả, tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não… Từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và thậm chí gây đột tử.

Làm cách nào để không "đột tử khi ngủ"

Theo bác sĩ Lê Thúy Phượng, Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang, người ngủ ngáy thường không tự biết mình ngủ ngáy hay mức độ nặng của nó, mà chỉ thông qua người thân báo lại. Ngưng thở lúc ngủ là một giai đoạn ngắn trong khi ngủ do đường thở bị tắc nghẽn. Theo thời gian, việc ngáy xảy ra thường xuyên hơn và to hơn.

Tuy nhiên, không phải mọi người bị ngáy đều bị ngưng thở khi ngủ. Những triệu chứng khác cũng thường gặp của ngưng thở khi ngủ là dễ cáu gắt, trầm cảm, thay đổi tính tình, tiểu ban đêm nhiều lần, khô cổ khi thức giấc…

Ở trẻ em, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm. Việc chẩn đoán xác định một người ngủ ngáy có bị ngưng thở lúc ngủ hay không được bác sĩ thực hiện bằng máy đo đa ký giấc ngủ, hoặc nội soi ống mềm khi ngủ.

Đột tử khi ngủ: Căn bệnh hiểm không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ - 3

Nội soi bằng ống mềm để tìm nguyên nhân gây ngủ ngáy (Ảnh: Semantic Scholar)

Bác sĩ chia sẻ, ngủ ngáy là một hiện tượng xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hiện tượng này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa ảnh hưởng đến giấc ngủ của người thân trong gia đình, nên cần được khắc phục càng sớm càng tốt. Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả nhất là tìm được nguyên nhân để khắc phục, đồng thời kết hợp với thay đổi một số thói quen.

Thứ nhất, thay đổi tư thế ngủ. Theo đó, tư thế nằm nghiêng khi ngủ được cho là tốt nhất để giảm tình trạng ngủ ngáy. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng gối dày hay đặt gối phía sau lưng khi nằm để hạn chế ngủ ngáy.

Thứ hai là tìm cách giảm cân, vì khi lượng mỡ cơ thể giảm xuống thì lượng mỡ ở cổ và xung quanh đường thở cũng giảm theo. Từ đó, cơ thể sẽ giảm được áp lực vào đường hô hấp làm cho việc hít thở trở nên dễ dàng hơn.

Thứ ba, không uống bia rượu. Nhưng nếu bạn uống rượu, bia thì nên uống ít nhất trong 4 giờ trước khi ngủ để hạn chế tối đa tình trạng ngủ ngáy.

Thứ tư, bỏ thuốc lá, vì thuốc lá còn có thể gây tình trạng ngủ ngáy do làm tắc nghẽn đường hô hấp.

Kế đến, cần tập thói quen ngủ nghỉ điều độ, giúp cơ thể hồi phục sau một ngày làm việc mệt nhọc và tạo tinh thần hứng khởi. Ngoài ra, cần làm thông thoáng đường thở ở mũi, cũng như tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày để giúp điều chỉnh kiểu ngủ.