Đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, Việt Nam phải hết sức cảnh giác

Hà An

(Dân trí) - Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Các chuyên gia nhận định Việt Nam phải hết sức cảnh giác một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập.

Sáng 25/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 27/4 làn sóng thứ 4 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng các địa phương. Đến ngày 30/9, Việt Nam về cơ bản kiểm soát được tình hình dịch. Trong thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị, rất nhiều thuốc mới ra đời. 

Cụ thể xây dựng gói thuốc A (các thuốc thông thường như thuốc hạ nhiệt, ho, bổ nâng đỡ sức khỏe), gói thuốc B (các thuốc kháng viêm-kháng đông) và thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir- gói thuốc C (gần 250.000 liều được phân phát). 

Đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, Việt Nam phải hết sức cảnh giác - 1

Ảnh minh họa: Mạnh Quân.

Kết quả sơ bộ hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong giảm 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu. Các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị thể nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công. 

Theo Thứ trưởng, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế ban hành quyết định 4800, các địa phương trở về tình trạng thích ứng an toàn với dịch. Trong giai đoạn đầu, tỷ lệ mắc ở các địa phương có giảm hơn so với làn sóng thứ 4. Tỷ lệ tử vong cũng đã giảm, con số tử vong có lúc giảm dưới 3 con số, có lúc khoảng 57-58 ca/ngày trên toàn quốc. 

"Nhờ việc thử nghiệm các thuốc chống virus đường uống tại nhà, nhờ vaccine chúng ta đã giảm được ca trở nặng và giảm tử vong. Đến hết tháng này, cơ bản chúng ta đạt tiêu chí về vaccine cho 70% người trên 18 tuổi, kể cả đối tượng trên 65 tuổi", Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, Việt Nam phải hết sức cảnh giác - 2

Số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Mạnh Quân.

Vì thế, theo Thứ trưởng hiện nay xu hướng là không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, mà khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện. Thay vì đó, các địa phương sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong nhiều hơn - thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh tại địa phương.  

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã… thì càng chia nhỏ đánh giá theo 4 cấp độ càng nhỏ càng tốt, một khu phố, một cụm dân cư, có biện pháp ngăn chặn kiểm soát nhỏ, gọn nhưng hiệu quả. Đảm bảo y tế đến được với người dân khi nhiễm tại nhà, tại cơ sở. Để làm được điều này cần nhiều nỗ lực trong cung ứng thuốc, đặc biệt là gói C. 

Hiện nay có 3 trụ cột cần tập trung là cách ly, xét nghiệm và thu dung điều trị (tại tuyến cơ sở, tầng 2, tầng 3). Quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus đường uống để tăng cường mức kiểm soát dịch tại cộng đồng, hạn chế giảm tình trạng bệnh nặng lên tầng trên. 

Việt Nam còn 4.000 bệnh nhân nặng

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc, với hơn 24.000 ca tử vong. Hiện còn hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này có khoảng 4.000 ca nặng phải thở oxy, thở máy, tỷ lệ còn khá cao. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1% tương đương so với thế giới. Tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trong tổng số gần 3.500 ca mắc (chỉ khoảng 1%). 

 Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu tại TPHCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)…

"Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Các nhà chuyên môn, nhà khoa học nhận định Việt Nam phải hết sức cảnh giác, một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, vì thế chúng ta không được lơ là, phải sẵn sàng ứng phó đợt dịch thứ 5", TS Khuê nói.

Bộ Y tế nhận định số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Lý do là mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Vì thế, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm