Đợt dịch Covid-19 mới ở Hà Nội liệu đã đạt đỉnh?
(Dân trí) - Hà Nội hiện đang có 9 chùm ca bệnh lớn, trong đó có nhiều chùm vẫn chưa xác định được nguồn lây. Theo nhận định của chuyên gia, Thủ đô khả năng cao vẫn ghi nhận F0 mới trong thời gian tới.
Khó xác định đỉnh dịch tại Hà Nội
Sáng nay Hà Nội tiếp tục ghi nhận 26 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong những ngày qua số F0 phát hiện trong ngày cũng có xu hướng tăng dần.
Về tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô ở thời điểm hiện tại, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, trong 1-2 tuần nữa Hà Nội khả năng cao vẫn sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh, đây là điều đã nằm trong dự tính của lực lượng chức năng.
"Việc ghi nhận thêm ca bệnh là không thể tránh khỏi. Hàng ngày, Hà Nội vẫn có 2.000-3.000 người Hà Nội từ các vùng dịch trở về, đây chính là những nguồn lây tiềm tàng", ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, việc quan trọng nhất hiện tại là có dịch đến đâu phải nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch đến đấy để dịch không bùng lên trên diện rộng.
Trả lời câu hỏi của PV về nhận định thời điểm dịch Hà Nội sẽ đạt đỉnh, ông Tuấn cho hay: "Covid-19 không giống như các dịch bệnh khác. Với các dịch bệnh khác có triệu chứng, chúng ta có thể phân tích dịch tễ dễ dàng hơn để nhận định đỉnh dịch, nhưng với Covid-19 thì rất khó. Có thể hôm nay là đỉnh ngày mai "hạ nhiệt" nhưng ngày kia lại lên đỉnh thứ hai và có thể có nhiều đỉnh. Phải trong khoảng thời gian một tháng mới có thể xác định được đỉnh dịch, hiện tại ở Hà Nội mới chỉ bùng lên lại trong khoảng 2 tuần thì vẫn chưa nói trước được điều gì".
Tuy nhiên, theo ông Tuấn qua phân tích số liệu, tình hình dịch ngày hôm nay bắt đầu có dấu hiệu giảm.
Dịch diễn biến phức tạp nhất tại quận Hai Bà Trưng
Thành phố hiện ghi nhận 9 chùm ca bệnh, trong đó có 5 chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây và 3 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc các trường hợp ho sốt trong cộng đồng.
Theo ông Tuấn, các ổ dịch tại quận Hai Bà Trưng hiện vẫn là phức tạp nhất.
Ông Tuấn phân tích: "Tại quận Hai Bà Trưng ghi nhận những chùm ca bệnh liên quan Bùi Thị Xuân, Trại Găng, Tân Mai. Các chùm ca bệnh này vẫn có mắt xích với nhau nhưng không rõ ràng. Quận Hai Bà Trưng có mật độ dân số cao, dịch lẩn khuất trong cộng đồng, bung ra nhiều nơi, nên gây khó khăn trong kiểm soát dịch. Trong khi đó ổ dịch tại quận Đống Đa cơ bản chỉ liên quan đến nhà thuốc ở 95 Láng Hạ nên không quá đáng lo".
Tỷ lệ người dân ho, sốt đi khám sàng lọc còn rất thấp
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn 245/SYT-NVY gửi các đơn vị hệ y tế dự phòng yêu cầu tiếp tục rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, các đơn vị được yêu cầu rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc Covid-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10/7.
Theo ông Tuấn, đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phát hiện các F0 còn lẩn khuất trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người dân có triệu chứng nghi ngờ đến khai báo và làm xét nghiệm là rất thấp so với dự kiến.
"Để phục vụ cho công tác chống dịch của thành phố, chúng tôi mong muốn người dân có triệu chứng nghi ngờ nên đến ngay các trạm y tế để khai báo và lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ những người có kết quả dương tính SARS-CoV-2 mới được đưa đi cách ly, điều trị cho nên người dân không nên vì quá lo ngại việc phải đi cách ly mà không xét nghiệm", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng nhận định rằng, công tác phát hiện ca bệnh ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Theo PGS Phu, trong lúc này Hà Nội phải giám sát hết tất các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, đau họng ngay từ cộng đồng, đây là ca chỉ điểm hết sức quan trọng để phát hiện ổ dịch mới.
"Người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải khai báo y tế để được xét nghiệm ngay. Tránh tự đi mua thuốc về điều trị, sau đó không khỏi lại đến cơ sở y tế, việc này có thể làm chậm sự phát hiện và dịch bị lây lan nhanh ra diện rộng", PGS Phu phân tích.
Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng lịch sử
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, Hà Nội đã thiết lập hơn 820 điểm tiêm tại 579 xã, phường, thị trấn và xây dựng kế hoạch tiêm lên đến mũi 200.000 mũi/ngày. Để đạt được số mũi tiêm tối đa cần có 1.000 dây chuyền tiêm (mỗi dây chuyền tiêm 200 mũi/ngày). Tuy nhiên, Hà Nội đã dự phòng thêm 200 dây chuyền sẵn và cũng đã tập huấn cho cán bộ y tế phụ trách công tác tiêm chủng toàn tuyến để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng.
Hiện nay, tại CDC Hà Nội có một kho lạnh bảo quản vắc xin tiêm chủng dịch vụ có thể tích 40m3, có thể chứa thêm 150.000 liều vắc xin Covid-19 Astrazeneca; một kho lạnh bảo quản vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng với thể tích 16m3, có thể chứa thêm 100.000 liều vắc xin Covid-19 Astrazeneca; 6 chiếc tủ lạnh thể tích 126 lít/tủ, có thể chứa tối đa 10.000 liều/tủ; 6 chiếc hòm lạnh bảo quản vắc xin có thể tích 44 lít/chiếc. Như vậy, tổng số liều vắc xin Covid 19 Astrazeneca có thể bảo quản tại kho trung tâm khoảng hơn 300.000 liều.
Còn tại 30 TTYT quận, huyện, thị xã có 34 tủ TCW3000 và 3000 AC với thể tích 126lít/tủ, sức chứa tối đa 10.000 liều/tủ chưa tính vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.