1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đơn thuốc "chữ bác sĩ" xấu không đọc nổi sẽ được khắc phục

Tú Anh

(Dân trí) - Những đơn thuốc khiến bệnh nhân lẫn người bán hàng dở khóc dở cười vì không dịch nổi "chữ bác sĩ" sẽ được khắc phục nhờ đơn thuốc đánh máy.

Ngày 17/11, tại Hội thảo về ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, việc chuyển đổi số trong y tế gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người bệnh.

"Nhiều người nói chữ bác sĩ "loằng ngoằng", nếu chuyển từ đơn thuốc, bệnh án viết tay sang đánh máy, người bệnh không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc", ông Khuê nói.

Đơn thuốc chữ bác sĩ xấu không đọc nổi sẽ được khắc phục - 1

Một đơn thuốc với chữ bác sĩ xấu không đọc nổi (Ảnh: Internet).

Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện có hơn 1.400 bệnh viện công lập và hơn 300 cơ sở ngoài công lập. Một khảo sát mới đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến. Con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%. Bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất (gần 39%), qua website của viện hơn 28%, qua tổng đài có 21,52% và qua app hơn 11%.

Về bệnh án điện tử, qua khảo sát, còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.

Ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, hai năm qua, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chúng ta đã ghi nhận những nỗ lực phi thường, những vất vả gian lao trong phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Trong những lúc khó khăn đó, chúng ta đã triển khai thành công đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" và khai trương 1000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn hạn chế.

Trong đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau. An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai…

Chính những hạn chế này dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin khác nhau giữa các bệnh viện công lập, tư nhân và giữa các tuyến.

Đánh giá về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc kê đơn thuốc điện tử không chỉ giải quyết tình trạng chữ viết loằng ngoằng, mà đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn; dự trù, lập kế hoạch số lượng thuốc cho từng năm/giai đoạn; quản lý sử dụng kháng sinh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…

Mặc dù chúng ta đã có sự phối hợp tốt, đã có nhiều cố gắng nhưng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn những hạn chế nhất định: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chòn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau, an toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai, nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ…

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp thầy thuốc thực hiện công việc tốt hơn, giúp người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Đơn cử, việc quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ngay cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, thúc đẩy thêm nhiều mô hình chuyển đổi số có hiệu quả vượt trội, tạo niềm tin và cảm hứng mạnh mẽ cho các cơ sở khác.