Độc tố chết người trong nước mắm… cá nóc
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học ở Phòng hoá sinh, Viện Hải dương học Nha Trang đã khẳng định: "Ngay cả trong nước mắm chế biến từ cá nóc vẫn tồn tại độc tố gây chết người!".
Th.S Đào Việt Hà - Chủ nhiệm đề tài - cho biết: "Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng tôi đã sử dụng cá nóc chấm cam - là loài thường thu hoạch được sản lượng cao và nhiều người ưa sử dụng - để làm đối tượng nghiên cứu. Việc thí nghiệm được tiến hành trong vòng 1 năm, áp dụng cách làm nước nắm của người dân địa phương và xác định tỉ lệ độc tính ở từng thời điểm".
Cá nóc chấm cam tên thường gọi là cá nóc vằn, cá nóc bông; tên khoa học là Torquiener pallimaculatus. Chất độc tập trung nhiều ở trong trứng, gan, nội quan và da, 100 gram trứng hoặc da cá nóc chấm cam có thể giết chết 60-70 người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, độc tính có chiều hướng suy giảm theo thời gian: Sau 12 tháng, tỉ lệ độc tính giảm khoảng 86,43% - 93,93% so với tổng độc lực ban đầu.
Th.S Đào Việt Hà và các cộng sự phân tích: "Điều cần lưu ý là sau 12 tháng, trong điều kiện đặc biệt của quy trình chế biến nước mắm (độ mặn rất cao, pH acid hoặc trung tính), vẫn tồn tại một lượng độc tố nhất định trong sản phẩm (6,07% - 13,57%).
Trong thực tế, chỉ sau 3-4 tháng kể từ thời điểm bắt đầu chế biến, sản phẩm nước mắm đã được các cơ sở sản xuất đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Theo số liệu thu thập từ nghiên cứu này, thời điểm tháng thứ 3 là lúc độc tính còn tồn tại khoảng 49,44% - 37,47% so với ban đầu.
Thường thì độc lực của loài cá nóc chấm cam vào mùa mang trứng có thể đạt tới 5.000MU/gr. Vì vậy, sau 3 tháng độc tính còn lại ít nhất khoảng 1.870MU/gr. Một người bình thường, chỉ sử dụng 25 - 50ml nước mắm loại này có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong".
Một số ngư dân ở xóm Cồn, phường Xương Huân, TP.Nha Trang cho biết, ngoài cá nóc chấm cam, ngư dân còn dùng cá nóc thu, cá nóc vằn... làm nguyên liệu (với tỉ lệ 1 tấn cá cho ra 300 lít nước mắm) và bà con tin rằng, độc tố sẽ bị tiêu huỷ hoàn toàn sau vài tháng làm mắm.
Th.S Đào Việt Hà giải thích thêm: "Khi sử dụng cá nóc lẫn với các loài cá khác, độc tính trong sản phẩm nước mắm có thể không đạt tới giá trị cao như trong thí nghiệm này, nhưng đó không phải là cách đảm bảo an toàn thực phẩm. Một sản phẩm biển chỉ được xác nhận là an toàn khi không tìm thấy dấu vết độc tố cá nóc. Xin được lưu ý thêm, độc tố cá nóc trong cùng loài có tính biến động cá thể rất rộng, trong khi đó tại VN chưa có số liệu chính xác về vấn đề này; do vậy không thể đánh giá hết độc tính của cá nóc, khi được dùng với số lượng lớn để làm nước mắm".
Theo Lao động