Đổ mồ hôi ban đêm- dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Hà An

(Dân trí) - Đổ mồ hôi là cách cơ thể bạn tự làm mát. Tuy nhiên nếu đổ mồ hôi ban đêm đến mức ướt đẫm cả người, gần quán, ga giường… thì bạn cần cảnh giác, đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.

Đổ mồ hôi đêm

Theo Healthline, đổ mồ hôi là cách cơ thể bạn tự làm mát. Điều này xảy ra với tất cả mọi người trong suốt cả ngày, nhưng một số người lại trải qua các đợt tăng tiết mồ hôi vào ban đêm. Đổ mồ hôi ban đêm không chỉ là đổ mồ hôi do bạn đắp quá nhiều chăn trên giường. Chúng khiến bạn, bộ đồ ngủ và bộ đồ giường của bạn ướt đẫm.

Nếu bạn bị đổ mồ hôi ban đêm, ga trải giường và gối của bạn thường trở nên thấm nước đến mức bạn không thể ngủ được nữa thì bạn cần chú ý. Một số người mô tả tình trạng đổ mồ hôi ban đêm giống như cảm giác như thể họ vừa nhảy xuống bể bơi. Đổ mồ hôi ban đêm có thể xảy ra ngay cả khi phòng của bạn mát mẻ thoải mái.

Đổ mồ hôi ban đêm- dấu hiệu cảnh báo ung thư? - 1

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi ban đêm

Ung thư

Đổ mồ hôi ban đêm có thể là một triệu chứng ban đầu của:

- Khối u carcinoid

- Bệnh bạch cầu

- Ung thư hạch

- Ung thư xương

- Ung thư gan

- U trung biểu mô

Đến nay các nhà khoa học không rõ tại sao một số loại ung thư lại gây đổ mồ hôi ban đêm. Điều này có thể xảy ra vì cơ thể bạn đang cố gắng chống lại bệnh ung thư. Sự thay đổi mức độ hormone cũng có thể là một nguyên nhân. Khi ung thư gây sốt, cơ thể bạn có thể đổ mồ hôi quá nhiều khi cố gắng hạ nhiệt. Trong một số trường hợp, đổ mồ hôi ban đêm xảy ra do các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, thuốc làm thay đổi nội tiết tố và morphin.

Nếu đổ mồ hôi ban đêm do ung thư, bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác. Điều này bao gồm sốt và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Các nguyên nhân khác

Mặc dù đổ mồ hôi ban đêm là triệu chứng của một số loại ung thư, chúng cũng có thể xảy ra vì những lý do khác. Chẳng hạn như:

- Thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh

- Tăng hormone và lưu lượng máu khi mang thai

- Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như bệnh lao và viêm nội tâm mạc. 

- Chứng hyperhidrosis vô căn, một tình trạng khiến cơ thể bạn thường xuyên tiết quá nhiều mồ hôi mà không có nguyên nhân y tế hoặc môi trường

- Hạ đường huyết

- Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị hormone và thuốc hạ sốt

- Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp

- Lo lắng

Các yếu tố lối sống có thể gây đổ mồ hôi ban đêm bao gồm: tập thể dục trước khi đi ngủ, uống đồ uống nóng trước khi đi ngủ, ăn thức ăn cay gần trước khi đi ngủ… 

Bạn có thể giảm đổ mồ hôi ban đêm bằng cách xác định chính xác bất kỳ yếu tố lối sống nào kích hoạt và tránh chúng.

Đổ mồ hôi liên tục vào ban đêm là cách cơ thể thông báo cho bạn biết có thể có điều gì đó không ổn. Các bác sĩ có thể điều trị thành công hầu hết các nguyên nhân. Nếu bệnh ung thư khiến bạn đổ mồ hôi ban đêm, chúng thường dừng lại sau khi bệnh ung thư được điều trị. Bạn càng tìm cách điều trị sớm, thì cơ hội thuyên giảm của bạn càng cao. Điều quan trọng là không được trì hoãn việc gặp bác sĩ.