1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều phụ nữ Hà Nội béo bụng, vòng eo vượt 80cm

Tú Anh

(Dân trí) - Kết quả điều tra cắt ngang phụ nữ tuổi trung niên 40-65 ở 2 quận huyện tại Hà Nội cho thấy, 36,41% béo phì và hơn 78% chị em bị béo bụng, vòng eo vượt 80cm.

Thông tin trên được TS Lê Thị Hương Giang báo cáo tại Hội nghị khoa học dinh dưỡng thường niên 2003 diễn ra tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày 17/11.

TS Giang cho biết, nghiên cứu cắt ngang được thực hiện ở 673 chị em độ tuổi 40-65 ở địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ Hà Nội cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm tuổi này là 36,41%.

Nhiều phụ nữ Hà Nội béo bụng, vòng eo vượt 80cm - 1

Người bị béo phì kèm theo nguy cơ các bệnh lý về chuyển hóa, tim mạch... (Ảnh minh họa: Getty).

Đặc biệt, hơn 3/4 (78%) chị em tham gia nghiên cứu bị béo bụng, vòng eo vượt 80cm. Hầu hết (98,1%) có béo trung tâm, với tỉ lệ WHR vượt hoặc bằng 0,8.

Chỉ số WHR thể hiện tỷ lệ eo - hông, là một trong số các phép đo mà bác sĩ có thể sử dụng để đánh giá về tình trạng thừa cân và sức khỏe tổng quan của một người.

Không chỉ riêng nhóm có chỉ số BMI (chỉ số tính toán mức độ cân đối giữa chiều cao - cân nặng) lớn hơn hoặc bằng 23 (người thừa cân và béo phì) có tỷ lệ béo bụng cao (chiếm 92,8%), mà ngay cả ở nhóm phụ nữ có chỉ số BMI bình thường dưới 23 cũng có đến quá một nửa bị béo bụng.

Trong nghiên cứu này cũng phát hiện khoảng 2,7% chị em có sử dụng thuốc giảm cân.

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng béo phì tại Việt Nam gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%.

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Trong đó, nguyên nhân từ lối sống là chủ yếu, khi mà chế độ ăn nhanh, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán ngày càng phổ biến. Người Việt vẫn thích ăn thịt hơn ăn rau, vận động còn hạn chế.

Tình trạng béo phì tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống.

Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

Mục tiêu giảm cân được đặt ra không gây áp lực khiến người béo phì nhịn ăn, tập luyện đến ngất xỉu. Mục tiêu giảm cân được đặt ra từ 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng là thực tế và đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe. 

Việc can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

"Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Mục tiêu giảm cân chỉ 5-10% trong 6 tháng, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân. Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động đều đặn mỗi ngày để kiểm soát cân nặng", chuyên gia khuyến cáo.