Một nửa học sinh tiểu học ở nội thành Hà Nội thừa cân, béo phì

Hồng Hải

(Dân trí) - Trong 10 năm, từ năm 2010 - 2020, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở nhóm 5-19 tuổi tăng vọt, từ 8,5% lên 19%.

Một lớp học, nửa lớp là bé bụ bẫm, thừa cân

Thông tin trên được PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cho biết tại  Hội thảo quốc tế  "Phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam" diễn ra ngày 20/10 tại Hà Nội.

Theo PGS Nhung, trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng nhẹ cân đang dần giảm xuống, thì tỉ lệ béo phì ở lứa tuổi học sinh lại rất đáng báo động.

Cụ thể, tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ cân ở lứa tuổi 5-19 tuổi đã giảm từ 24,2% (năm 2010) xuống 12,2% (năm 2010).

Tương tự, nhóm suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 23,4% xuống 14,8% trong 10 năm. Ngược lại, tình trạng thừa cân, béo phì tăng vọt, từ 8,5% lên 19%.

Một nửa học sinh tiểu học ở nội thành Hà Nội thừa cân, béo phì - 1

Tỉ lệ béo phì của trẻ 5-19 tuổi tăng vọt gấp hơn 2 lần trong 10 năm, từ 8,5% lên 19%.

Trong một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện Hà Nội trong năm 2023 cho thấy, có những trường tỉ lệ học sinh béo phì, thừa cân vượt 50%.

Như Trường Tiểu học La Thành (Đống Đa), tỉ lệ trẻ béo phì 55,7%. Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm), tỷ lệ này là 51,4%. Các trường còn lại là Tiểu học dịch vọng B (Cầu Giấy) là 45,5%; Tiểu học Lê Lợi (Hà Đông) là 49,5%; Tiểu học Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng) là 46,5%.

Ở các trường tiểu học vùng ngoại thành, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì giảm hơn. Trong 5 trường được khảo sát, trường thấp nhất là 20.9% tỉ lệ béo phì, cao nhất là 31,1%.

Nhiều hệ lụy

Theo PGS Nhung, nhiều người Việt vẫn có tâm lý "nhồi" cho con ăn, cho con bụ bẫm để bù trừ những khi con đau ốm, khi đi học, dinh dưỡng không còn được chăm sóc như ở nhà.

"Quan điểm này rất nguy hiểm. Khi trẻ đã thừa cân vẫn ăn uống thoải mái, tích tụ sẽ ngày càng làm trẻ béo lên. Hậu quả của thừa cân, béo phì là làm gia tăng tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở trẻ em. Nghiên cứu thực hiện trên 500 trẻ em béo phì, có 30-55% trẻ bị rối loạn mỡ máu", PGS Nhung nói.

Bên cạnh đó, nguy cơ đái tháo đường trên nền trẻ béo phì cũng tăng lên. Cá biệt, có những bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi.

Theo PGS Nhung, có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì: Chế độ ăn không hợp lý, thừa năng lượng, chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng; Ít hoạt động thể lực; Ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường; Cha mẹ, ông bà thích trẻ bụ bẫm.

"Nhất là với lứa tuổi học đường, chế độ ăn không cân bằng, không đa dạng, trẻ thích ăn đồ chế biến sẵn, thức ăn có nhiều chất béo, không thích ăn cá, tôm, cua hải sản, không thích ăn rau…, vận động ít càng làm gia tăng nguy cơ béo phì", PGS Nhung thông tin.

Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, vẫn có tình trạng dinh dưỡng chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so với nông thôn và miền núi.

Về dinh dưỡng học đường, các chuyên gia đánh giá nhiều trường đã chú ý đến bữa ăn học sinh hơn, giáo viên được đào tạo, tổ chức tốt hơn, có các phần mềm xây dựng thực đơn.

Tuy nhiên, thực tế nhiều trường học chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, tiếp nhận bữa ăn từ các công ty cung ứng thực phẩm. Đây là nguyên nhân khiến xảy ra ngộ độc thực phẩm. Cán bộ phụ trách bán trú của nhiều trường cũng chưa được đào tạo về dinh dưỡng, căng tin bán thực phẩm không lành mạnh.

Tại hội nghị, chuyên gia Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình điểm các bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng.

Theo đó, các hoạt động của giáo viên dinh dưỡng tại Nhật Bản để phòng và kiểm soát thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng; tổ chức giáo dục dinh dưỡng tại các cấp học giúp học sinh có kiến thức và thực hành tốt bữa ăn dinh dưỡng hợp lý tại trường học và ở nhà....