1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điểm mặt 4 thủ phạm gây nhiễm độc gan

Hà An

(Dân trí) - Nhiễm độc gan là tình trạng tổn thương gan do nhiều nguyên nhân như thuốc, hóa chất hoặc các chất gây hại gan có trong thực phẩm hàng ngày..., dẫn đến suy giảm các chức năng gan.

Gan là một trong những cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể. Gan có nhiều chức năng như tổng hợp và bài tiết mật, tổng hợp và chuyển hóa chất…, trong đó, chức năng thải độc là một chức năng rất quan trọng.

Nếu chức năng gan tốt, gan sẽ đào thải các chất độc bên trong cơ thể, giúp phòng tránh được nhiều bệnh. Tuy nhiên, nếu chức năng của gan suy giảm, các chất độc sẽ tích tụ trong gan và gây ra tình trạng nhiễm độc gan.

Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ có 4 nguyên nhân chính gây ra viêm gan nhiễm độc. 

Thứ nhất là do dùng thuốc kéo dài. Các loại thuốc dùng kéo dài quá lâu hoặc quá liều có thể gây tổn thương gan cấp tính hoặc nhiễm độc gan mạn tính như paracetamol, NSAID, thuốc tuyến giáp, thuốc điều trị ung thư, các thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc chống lao, thuốc kháng sinh.

Điểm mặt 4 thủ phạm gây nhiễm độc gan - 1

Rượu bia, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc đều có thể gây hại cho gan (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Thứ 2, việc sử dụng thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hay các thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc… cũng là một nguyên nhân nhiễm độc gan thường gặp.

Thứ 3 là nhiễm độc gan do rượu bia, các chất kích thích.

Thứ 4 là sử dụng thực phẩm hoặc nguồn nước có tồn dư các hóa chất độc hại, nấm mốc có thể gây nhiễm độc gan và nhiều cơ quan khác.

Trong đó, khi nói đến viêm gan nhiễm độc thường là nói đến tổn thương gan do thuốc hoặc hóa chất độc hại gây ra.

Triệu chứng thường gặp khi bị viêm gan nhiễm độc

Triệu chứng của viêm gan nhiễm độc có thể gặp từ nhẹ tới nặng như sốt, mệt mỏi, ăn kém, phát ban, sẩn ngứa, vàng da, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu chướng bụng…

Ngoài ra, người bệnh có thể bị suy gan mãn, suy gan cấp hoặc tối cấp nguy hiểm đến tính mạng với tình trạng rối loạn đông máu, suy hô hấp, co giật, tiền hôn mê gan hoặc hôn mê gan.

Vì thế, khi có dấu hiệu viêm gan nhiễm độc, người bệnh cần phát hiện và dừng ngay các nguyên nhân gây nhiễm độc.

Để phòng tránh tình trạng này, chúng ta không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích. Không sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng thuốc nam, thuốc bắc, thuốc lá cây bừa bãi…

Khi phải sử dụng thuốc điều trị bệnh kéo dài phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ.

Khi bị ốm, chúng ta không nên tự mua thuốc uống, mà đến cơ sở y tế khám và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không tự điều chỉnh liều thuốc. Đồng thời, nên sử dụng nước sạch, thực hiện an toàn vệ sinh, không ăn thức ăn ôi thiu, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Theo các nghiên cứu, uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư gan. 

Gan là cơ quan chính để chuyển hóa và giải độc. Những người lạm dụng rượu bia sẽ rất dễ bị xơ gan, vì ete và etanol trong rượu làm hỏng chức năng chuyển hóa và giải độc của gan. Điều này còn khiến cơ thể bị tích tụ độc tố, ảnh hưởng chức năng bình thường của các cơ quan nội tạng khác.

Viêm gan nhiễm độc nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu nghi ngờ bị viêm gan nhiễm độc, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.