Dịch sởi nghiêm trọng nếu không lấp "khoảng trống vaccine"

Minh Nhật

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới cũng liên tục cảnh báo hậu quả của việc chậm tiêm vaccine do Covid-19, dẫn đến sự bùng phát của nhiều dịch bệnh, trong đó có dịch sởi.

Dịch sởi đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Báo cáo trong Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2024, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, 2 bệnh liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại, với đủ nguy cơ gia tăng, là ho gà và sởi.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện trên địa bàn TPHCM đang ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi (tính từ đầu năm đến tuần đầu tháng 6 là 15 ca).

Trả lời tại Chương trình Cung cấp thông tin Y tế quý II năm 2024, do Bộ Y tế tổ chức, TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã giải thích về tình trạng thiếu vaccine sởi trong giai đoạn đầu năm.

Dịch sởi nghiêm trọng nếu không lấp khoảng trống vaccine - 1

Người dân chờ tiêm ngừa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - nơi đã tiếp nhận điều trị 4 trường hợp trẻ mắc bệnh sởi từ tháng 5 (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo TS Đức, đến cuối năm 2023, Bộ Y tế mới quyết được ngân sách mua vaccine sởi cho năm 2024. Do đó, chúng ta mất khoảng 2 tháng đầu năm 2024 để sản xuất và cung cấp vaccine sởi.

Vì vậy, nguồn cung vaccine bị chậm khoảng 2 tháng đầu năm. Sau đó, vaccine đã được cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêm chủng.

"Sau khi vaccine được sản xuất, chúng tôi sẽ xuất theo từng lô dựa theo nhu cầu tiêm chủng. Trong số 21 triệu liều vaccine sởi trong kế hoạch năm nay, đã có 17 triệu liều đã được cấp về trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương", TS Đức cho hay.

Vị này khẳng định, cơ quan chức năng đã đi kiểm tra và yêu cầu rà soát. Kết quả cho thấy vaccine sởi hiện đầy đủ.

Trong thời gian vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới cũng liên tục cảnh báo hậu quả của việc chậm tiêm vaccine do Covid-19, dẫn đến sự bùng phát của nhiều dịch bệnh, trong đó có dịch sởi.

Trên thực tế, tại TPHCM, theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nguyên nhân sởi bùng phát là do các "khoảng trống" miễn dịch. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà nhiều trẻ không được tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch, một số xã phường ở các quận, huyện có độ bao phủ vaccine thấp.

TS Đức cũng cho biết thêm, Cục Y tế Dự phòng đã yêu cầu các cơ sở sử dụng công cụ rà soát trên cả nước để đánh giá tổng thể về tình hình thiếu vaccine sởi.

Từ kết quả đó, sẽ tiến hành tiêm vét, tiêm bù cho đủ, không để thiếu bao phủ vaccine sởi dẫn đến tình trạng dịch như WHO cảnh báo.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Dân trí, BS Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã có các ổ dịch và các báo cáo mới về số ca mắc bệnh sởi cho thấy chúng ta cần phải cảnh giác cao độ.

"Bộ Y tế đã tiếp tục mua vaccine nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, để tiếp cận được những trẻ em bị bỏ lỡ tiêm chủng trong đại dịch Covid-19. CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế để đảm bảo nhanh chóng tiêm vaccine cho trẻ em và người lớn khi cần, để Việt Nam có thể đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm vaccine lên mức cao hơn so với trước đại dịch", BS Eric Dziuban nêu.