Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cảnh báo 2 loại bệnh nguy hiểm

Hoàng Lê

(Dân trí) - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có 2 bệnh liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại, với đủ nguy cơ gia tăng.

Báo cáo trong Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2024, vừa diễn ra tại Viện Pasteur TPHCM, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở TPHCM hiện nay khá tương đồng với khu vực phía Nam.

Các dịch bệnh lưu hành hàng năm như tay chân miệng, sốt xuất huyết tương đối ổn định. Tuy nhiên, có 2 bệnh liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại, với đủ nguy cơ gia tăng, là ho gà và sởi.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cảnh báo 2 loại bệnh nguy hiểm - 1

Toàn cảnh Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2024 (Ảnh: GL).

Cụ thể, về bệnh ho gà, đến nay TPHCM đã ghi nhận 30 trường hợp (90% là trẻ dưới 5 tuổi). Trong đó, có 12 trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng mũi đầu tiên, 100% các bà mẹ đều chưa tiêm ngừa ho gà trước đó.

Trong khi đó liên quan đến bệnh sởi, hiện nay Thành phố đã ghi nhận 16 ca mắc, bao gồm 15 trẻ dưới 5 tuổi. Đáng chú ý, gần 85% số trẻ mắc bệnh đã đến tuổi nhưng chưa được tiêm đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

Tính trên quy mô toàn phía Nam, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, từ đầu năm tới nay miền Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp nghi ngờ sởi. Trong đó, nhiều tỉnh miền Tây ghi nhận ca mắc sởi trong cộng đồng rất cao. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh đã có chủng ngừa vaccine đang trong xu hướng gia tăng.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cảnh báo 2 loại bệnh nguy hiểm - 2

Trẻ phát ban toàn cơ thể do sởi (Ảnh: BV).

Theo ông Vĩnh Châu, nguyên nhân khiến sởi và ho gà - các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine - quay trở lại, là do các "khoảng trống" miễn dịch. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà nhiều trẻ không được tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch, một số xã phường ở các quận, huyện có độ bao phủ vaccine thấp.

Do đó để phòng ngừa việc dịch bệnh có thể lây lan rộng, không chỉ ở TPHCM mà cả khu vực phía Nam, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM kiến nghị phải triển khai ngay chiến dịch tiêm vaccine sởi ở các vùng có nguy cơ bùng dịch. Đồng thời, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cần đảm bảo nguồn cung ứng vaccine để khẩn trương tiêm bù cho trẻ, tạo miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm tiêm vaccine ngừa bạch hầu, ho gà cho thai phụ, để tạo miễn dịch từ mẹ. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết vùng khu vực phía Nam trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cảnh báo 2 loại bệnh nguy hiểm - 3

Người dân chờ tiêm ngừa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - nơi đã tiếp nhận điều trị 4 trường hợp trẻ mắc bệnh sởi từ tháng 5 (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau khi nghe các báo cáo, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu khu vực phía Nam tập trung dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đánh giá, rà soát khả năng phòng chống dịch, đặc biệt là thuốc điều trị.

Ngành y tế các địa phương phải lên kịch bản ứng phó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực để thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, chú ý đến việc cách ly điều trị đối với các bệnh có nguy cơ lây truyền cao như sởi, ho gà.

Tính đến tuần 23, TPHCM có 6.120 ca bệnh tay chân miệng, tăng nhẹ so với trung bình 5 năm qua. Số ca mắc đang đi ngang và chưa ghi nhận chủng EV71 gây bệnh nặng.

Tương tự, ca mắc sốt xuất huyết cũng đi ngang (với 3.677 ca tích lũy), giảm số lượng so với các năm trước và chưa có ca tử vong trên địa bàn.

Về bệnh đậu mùa khỉ, từ đầu năm đến nay địa phương ghi nhận 36 trường hợp nhiễm bệnh (đều là người đồng giới), không có ca tử vong.