1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đỉa phơi khô gặp nước có thể sống lại không?

“Đỉa khô không có giá trị dinh dưỡng. Đỉa khô có tác dụng chữa máu hay đông (do nước bọt đỉa tiết ra chất hirudin), chữa máu tụ nội tạng”.

Tối 21-11, ThS-BS Nguyễn Diệu Ngọc Tuyền, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, đã cho biết thông tin trên.

Theo ThS-BS Ngọc Tuyền, dân gian cho rằng đỉa sống rất dai, không thể chết cho dù đã làm khô. Tuy nhiên, đỉa khô cho vào nước không thể sống lại vì trước khi làm khô đã được ngâm vôi loãng, rượu đến chết. Sau khi chết, đỉa được mổ bụng lấy ruột. Sau đó rửa với nước muối, đun chín và thái khúc.

Đỉa khô không thể sống lại được
Đỉa khô không thể sống lại được

Còn theo lương y Đinh Công Bảy, trong Đông y, con đỉa hay còn gọi là thủy điệt có vị mặn, tính bình, có độc, tác dụng phá huyết, trục ứ, thông kinh, lợi tiểu. Thủy điệt thường được dùng để làm tiêu tích tụ, phá hòn cục, trị phụ nữ kinh bế, máu ứ, đòn ngã tổn thương, mụn nhọt, phong lở, đau mắt đỏ, tiểu tiện khó… Đỉa khô có bán nhiều tại các cửa hàng Đông y tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa thấy ai nói có thể làm đỉa đã chết sống lại bao giờ.


Số đỉa khô bị bắt

Số đỉa khô bị bắt

Trước đó, ngày 19/11, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và phát hiện tài xế Hoàng Văn Thanh (TP Hạ Long, Quảng Ninh) chở 960 kg đỉa khô và hơn 80 kg tắc kè khô không chứng từ, không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng lập biên bản, tạm giữ toàn bộ lô hàng để xác minh và xử lý.

Sau khi thông tin trên được đăng tải, nhiều bạn đọc Pháp Luật TP.HCM thắc mắc đỉa khô dùng làm gì? Đỉa khô có sống lại khi cho vào nước hay không?

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM