Đi khám ung thư vú ngay nếu có những biểu hiện này
(Dân trí) - Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Trong số các ung thư ở nữ, ung thư vú chiếm tới 35%.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn.
Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, hàng tháng nên tự khám vú sau khi sạch kinh 5 ngày.
Bạn nên đi khám ngay nếu thấy các biểu hiện: vùng da ở vú phồng lên; núm vú đã thay đổi vị trí hoặc núm vú bị đẩy tụt vào trong thay vì nhô ra ngoài; ngực đỏ, đau nhức, phát ban, hoặc sưng, có u cục… Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, bạn cũng không nên quá lo lắng, phần lớn các trường hợp là lành tính.
Bên cạnh việc tự khám vú tại nhà, các chị em nên duy trì thói quen tốt cho sức khỏe góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư vú bằng cách: kiểm soát cân nặng, vận động, tập luyện phù hợp kết hợp chế độ ăn uống hợp lý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố được biết đến như là yếu tố nguy cơ của ung thư vú bao gồm:
- Tuổi: nguy cơ ung thư vú tăng lên ở các phụ nữ nhiều tuổi. Việc tầm soát ung thư vú nên được tiến hành ở độ tuổi từ 40 trở lên.
- Giới: nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ giới cao gấp 100 lần nam giới.
- Tiền sử gia đình: phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khi gia đình có người thân mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, có người thân mắc ung thư vú dưới 50 tuổi hoặc có đột biến gen BRCA1, BRCA2.
- Tình trạng kinh nguyệt: các yếu tố liên quan đến tăng số lượng ky kinh như mang thai sau 30 tuổi, có kinh sớm trước 13 tuổi, mãn kinh muộn sau 50 tuổi hoặc không cho con bú,... đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Một số yếu tố khác như: thừa cân, béo phì, sử dụng hormon ngoại sinh, người có tiền sử mắc các bệnh vú lành tính,...
Chẩn đoán ung thư vú
Chẩn đoán ung thư vú cần dựa vào 3 phương pháp kinh điển có tính chất định hướng giúp chẩn đoán xác định bệnh ung thư vú, bao gồm:
- Lâm sàng: các triệu chứng của bệnh.
- Xét nghiệm tế bào học: đánh giá hình thái tế bào tuyến vú
- Chụp X-quang tuyến vú (mammography): phát hiện hình ảnh nghi ngờ tổn thương ác tính của vú trên phim X-quang.
Nếu một trong 3 phương pháp này nghi ngờ phải thực hiện sinh thiết tổn thương ở vú. Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư vú.
- Xét nghiệm hóa mô miễn dịch: giúp đánh giá đúng tình trạng thụ thể nội tiết, yếu tố phát triển biểu mô Her2, xác định đúng thể bệnh từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cũng như tiên lượng bệnh.
- Các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh: X-quang ngực, siêu âm tuyến vú, cộng hưởng từ tuyến vú, siêu âm ổ bụng, cắt lớp vi tính ngực, cắt lớp vi tính bụng, xạ hình xương.
- Chỉ điểm khối u CA 153: có giá trị trong theo dõi.
- Xét nghiệm máu đánh giá chức năng các cơ quan: công thức máu, chức năng gan, thận,...