Đề xuất giá khám bệnh theo yêu cầu không quá 300.000 đồng một lần
(Dân trí) - Theo dự thảo, nếu cơ sở y tế sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì giá khám tối đa với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 là 300.000 đồng/lần khám, các đơn vị còn lại là 200.000 đồng.
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Theo đó, mức giá được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư và phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở y tế công lập quyết định việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu.
Các chi phí để xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản, dự phòng rủi ro, tích lũy để tái đầu tư, phát triển dịch vụ. Một số dịch vụ mới cũng được đưa vào trong dự thảo như chi phí với dịch vụ khám, tư vấn, thực hiện các dịch vụ tại nhà, dịch vụ chăm sóc toàn diện, thuê chuyên gia trong nước, nước ngoài…
Dự thảo thông tư này cũng quy định mức giá khám chữa bệnh khi cơ sở y tế sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu.
Theo đó, các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ thì đơn vị quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá ngày giường điều trị theo yêu cầu.
Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ, thông tư này có quy định giá tối đa.
Cụ thể:
Với giá khám bệnh:
- Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, giá tối đa là 300.000 đồng/lần khám.
- Các cơ sở y tế khác: Giá tối đa 200.000 đồng/lần khám.
- Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước, ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe: Đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Giá ngày giường điều trị nội trú dao động 600.000 đến 3 triệu đồng tùy theo hạng bệnh viện, loại phòng (1, 2, 3 hay 4 giường).
Giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú.
Dự thảo thông tư này cũng đưa ra các yêu cầu đối với cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ví dụ quy định diện tích cho một chỗ khám bệnh, trang thiết bị, bảo đảm mỗi bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ. Về giường dịch vụ cũng yêu cầu một phòng tối đa không quá 4 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/1 giường theo quy định…
Ngoài ra, các cơ sở y tế đang sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu và có số giường bệnh theo yêu cầu cao hơn 15% tổng số giường bệnh thì phải xây dựng lộ trình để giảm dần số giường bệnh sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Trong đó, bảo đảm đến hết năm 2024 còn dưới 15% so với tổng số giường bệnh (trừ số giường bệnh theo yêu cầu do đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định để đầu tư khu vực khám, chữa bệnh theo yêu cầu độc lập với khu vực khám, chữa bệnh thông thường).
Các đơn vị cũng phải xây dựng quy chế để các chuyên gia, thầy thuốc giỏi phải dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám, chữa các ca bệnh khó cho người có thẻ bảo hiểm y tế, người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.
Hiện nay, giá khám, tiền giường dịch vụ hiện rất khác nhau giữa các cơ sở y tế công lập. Có bệnh viện tại Hà Nội xây dựng giá khám bệnh theo yêu cầu với 4 mức như khám giáo sư (550.000 đồng), khám phó giáo sư (450.000 đồng), khám tiến sĩ (350.000 đồng), khám thạc sĩ (250.000 đồng).