Đề xuất BHYT chi trả cho sàng lọc chẩn đoán sớm với 6 bệnh
(Dân trí) - Dự án luật BHYT đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan B, C.
Đau đầu bài toán mở rộng quyền lợi của người có thẻ BHYT và cân đối quỹ
Thông tin được bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, cho biết, tại hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) diễn ra chiều 16/4.
Theo bà Trang, dự án luật đang đề xuất mở rộng phạm vi chi trả của BHYT, tuy nhiên điều khó nhất hiện nay là khả năng cân đối quỹ. Chẳng hạn, chỉ riêng đề xuất nâng mức hưởng 5% cho đối tượng sĩ quan công an nhân dân thì mỗi năm quỹ sẽ tăng chi khoảng 17,8 tỷ đồng. Chỉ một nội dung nhỏ như thế đã làm tăng chi cho quỹ.
Bà cũng thừa nhận từ trước đến nay, vấn đề chính sách về phạm vi quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT luôn là vấn đề nóng, vấn đề khó khăn, trăn trở cho những người làm chính sách.
"Đặc biệt luôn có những cuộc tranh luận giữa cơ quan BHXH - cơ quan giữ quỹ đảm bảo quyền lợi cho người dân - và các cơ sở kể cả cơ quan quản lý nhà nước về BHYT để làm sao cân bằng được giữa phạm vi quyền lợi, mở rộng tối đa nhất nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối quỹ. Thực sự bài toán kinh tế ở đây rất quan trọng", bà Trang nói.
Theo đại diện Vụ BHYT, dự án luật lần này có rất nhiều phạm vi quyền lợi được đưa ra để đánh giá tác động và đề xuất một số giải pháp. Tuy nhiên do nhiều yếu tố còn có những khó khăn nhất định…
Cụ thể, dự thảo đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn.
Ngành y tế đã tiến hành đánh giá tác động với 6 bệnh này, cho thấy tăng chi của quỹ BHYT lên rất nhiều.
"Với mức đóng 4,5% như hiện tại thì trong ngắn hạn khả năng quỹ sẽ khó tải nổi, có thể trong 5 năm chi từ quỹ tăng cao đột biến. Tuy nhiên, khi chẩn đoán, sàng lọc sớm chúng ta tiết kiệm được chi phí điều trị của giai đoạn muộn (bao gồm số ngày giường điều trị tăng, tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh, các thuốc đắt tiền…).
Trong ngắn hạn tiền quỹ có thể tăng nhưng dài hạn chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác trong đó có thuốc, theo ước tính tiền thuốc chiếm hơn 20% cơ cấu chi của BHYT", bà Trang phân tích.
Chi cho chẩn đoán sớm bệnh sẽ tiết kiệm quỹ trong tương lai
Nghiên cứu cho thấy, ước tính chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 đến 3 nghìn tỉ đồng/năm, với ung thư vú là 2,5 đến 5,3 nghìn tỉ đồng/năm. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện chi trả BHYT cho bệnh này.
Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 đến 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.
Tương tự với bệnh ung thư vú, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 đến 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.
"Số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Bởi vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ BHYT trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai", bà Trang nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cho biết, sau 15 năm thực hiện luật BHYT, chính sách BHYT từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng. Số người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng…
Tuy nhiên, luật BHYT 2008 và luật sửa đổi bổ sung năm 2014 có một số quy định không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, một số nội dung mới phát sinh trong thực tiễn triển khai…
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về dân số và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu điều trị ngày càng tăng…
Vì thế, dự thảo luật BHYT sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách... Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tới việc thay đổi các quy định về tiền lương và quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật.