Đề xuất tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả cho các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà…

Ngày 28/6 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự án luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi. 

ThS Nguyễn Trí Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT có nhiều điểm mới quan trọng, đột phá mạnh mẽ, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. 

Dự án luật Bảo hiểm y tế sửa đổi dự kiến có hai nội dung lớn, mới là mở rộng phạm vi quyền lợi và chính sách BHYT bổ sung. 

Đề xuất tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế - 1

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả cho các dịch vụ như sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con, sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh tại nhà (người cao tuổi, người khuyết tật nặng), sử dụng vaccine, sinh phẩm, dinh dưỡng sử dụng trong điều trị…

Bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng, một trong những lý do người tham gia BHYT lên tuyến trên vì chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Theo đó, còn có những quy định liên quan gói dịch vụ.

Cụ thể, một bệnh nhân tiểu đường khi khám tuyến xã thì không có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc thông thường, trong khi lên tuyến trên họ có thuốc tốt hơn. 

Về phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT, dự án luật cũng đề xuất mở rộng rất nhiều nội dung.

Theo bà Hương, điều này rất tốt vì chúng ta đang hướng đến dự phòng chủ động tích cực, khám sàng lọc phát hiện sớm sẽ giúp giảm được chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện quỹ như hiện nay thì cần phải cân nhắc. 

"Chúng ta cần xem xét lại thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm thì xem làm dịch vụ gì, bệnh gì, cần có đánh giá tác động. Chúng tôi ủng hộ việc đưa các quy định về sàng lọc, dự phòng, tư vấn, chẩn đoán sớm nhưng phải có điều kiện, có lộ trình", bà Hương nhấn mạnh. 

Bà Hương cho rằng, Bộ Y tế cần nghiên cứu đánh giá tác động để thực hiện theo lộ trình

Chung quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuyển, đại diện BHXH Hà Nội cho biết, dự án luật này đang mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT rất nhiều. Điều này rất có ý nghĩa về an sinh song với mức đóng tối đa 6% tiền lương tháng thì có khi không đủ tiền để chi trả. Vì thế, cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề xuất BHYT chi trả chi phí sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh ung thư. 

Đề xuất tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế - 2

Bộ Y tế đặt mục tiêu sửa đổi toàn diện luật BHYT sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT (Ảnh: Nam Phương).

Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh qua các năm, cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay có đến 70% đối tượng thuộc diện ngân sách Nhà nước hỗ trợ. 

Ngoài ra, tỷ lệ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã là hơn 30%, song tỷ lệ chi cho tuyến xã hiện rất ít, chỉ khoảng 2% tổng chi của quỹ BHYT. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự án Luật BHYT sửa đổi là dự án luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến mọi người dân. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực trạng, đánh giá tác động đầy đủ để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. 

"Dự án Luật được sửa đổi toàn diện, thay thế luật hiện hành phải giải quyết được các bất cập hiện hành, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đặt quyền lợi của người tham gia BHYT lên hàng đầu để phục vụ, tạo niềm tin với chính sách BHYT", Thứ trưởng Thuấn nói. 

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia tiếp tục phối hợp góp ý, hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật, phấn đấu để trình Quốc hội dự thảo luật BHYT sửa đổi vào tháng 5/2024.