Dễ phát hiện ung thư vú ở nam giới
Theo ThS Diệu Linh, khoa Ngoại vú, bệnh viện K, nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư vú (UTV) là nam giới bị ung thư tiền liệt tuyến, béo phì, nghiện thuốc lá, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ… hoặc gia đình có tiền sử bị bệnh.
Dấu hiệu bệnh dễ bị bỏ qua
Cách đây hơn 1 năm, ông N.V.Đ, 56 tuổi, ở Hà Nội, phát hiện thấy cục u ở ngực trái nhưng do không có cảm giác đau nên ông Đ. không đi khám. Thời gian gần đây, khối u phát triển nhanh, kèm theo đau nhức và có tiết dịch ở đầu núm vú. Vội vã đi khám tại bệnh viện (BV) K, ông bị sốc khi bác sĩ (BS) thông báo ông bị UTV giai đoạn 3. Nguy hiểm hơn khối u đã có biểu hiện di căn vào phổi.
Một trường hợp khác là ông P.M.T, 63 tuổi, ở Hưng Yên. Dù phát hiện thấy ngực nổi u cả nửa năm trời nhưng ông không đi khám. Khi khối u phát triển to hơn và xuất hiện hiện tượng co rút ở núm vú, ông nghe lời một thày lang vườn mua thuốc lá về đắp. Sau 1 tuần đắp lá, khối u không hề xẹp mà càng đau nhức, lở loét. Cấp cứu tại BV K, các BS chẩn đoán ông T. bị UTV kèm theo nhiễm trùng do đắp lá.
TS Trần Văn Thuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư Việt Nam cho biết, giai đoạn đầu, bệnh phát triển âm thầm, không gây đau nhức. Do cơ ngực của nam giới mỏng nên rất dễ phát hiện cục u cứng hơn ở phụ nữ. Tuy nhiên, phần lớn nam giới đều bỏ qua dấu hiện này, không quan tâm đến sức khỏe của mình. Chỉ đi khám khi thấy đau nhức nhiều ở núm vú, lở loét, tiết dịch thì bệnh đã phát triển ở giai đoạn nặng.
Đàn ông bị UTV nguy hiểm hơn phụ nữ
Bệnh nhân ung thư vú nam giới đang được điều trị tại BV K
TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, UTV ở nam giới nguy hiểm hơn phụ nữ là do tuyến vú của nam giới không phát triển nên khối u dễ xâm lấn, di căn vào gan, phổi, xương… Hiệu quả điều trị UTV ở nam giới phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Ước tính, nếu điều trị ở giai đoạn một, tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 58% và 10 năm là 38%. Điều trị ở giai đoạn hai, tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn 38% và 10 năm là 10%. Thậm chí, nếu điều trị ở giai đoạn muộn, bệnh nhân còn phải chấp nhận cắt cả hai tinh hoàn, nhằm hạn chế tình trạng di căn vào xương.
Phương pháp điều trị UTV ở nam giới không khác biệt so với ở phụ nữ. Tùy từng trường hợp bệnh nhân, BS sẽ chỉ định điều trị kết hợp hóa trị và xạ trị. Điểm thuận lợi là, nam giới bị UTV không phải chịu nhiều sức ép tâm lý khi cắt bỏ tuyến vú như với phụ nữ. Do đó, BS không cần phải thực hiện quá trình tái tạo hay bảo tồn tuyến vú - vốn là một khâu rất quan trọng khi điều trị UTV ở phụ nữ. Tuy nhiên, TS Trần Văn Thuấn khuyến cáo, người bệnh cần phải tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ quá trình điều trị. Nhiều trường hợp nam giới sau khi cắt bỏ khối u đã tự động ngừng điều trị khiến bệnh rất dễ tái phát và di căn.
Để phòng tránh bệnh, giảm bớt nguy cơ mắc UTV, các BS khuyên, nên chú ý đến những dấu hiệu lạ ở ngực như xuất hiện cục u, da vú thay đổi, vú tiết dịch… để đi khám kịp thời. Bên cạnh đó, nam giới cũng nên tập thể dục thường xuyên, hạn chế dùng rượu, bia, thuốc là, không ăn thức ăn nhiều chất béo….
Theo Xuân Trường
Đất Việt