Dễ mắc bệnh chết người dịp Tết vì những hiểu lầm này

(Dân trí) - ​Sáng 11/1, tại Hội thảo Phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cùng các chuyên gia đã chỉ ra những hiểu lầm khiến bệnh liên cầu lợn thường tăng trước và sau Tết Nguyên đán.

Rượu vào sẽ diệt vi khuẩn

Dễ mắc bệnh chết người dịp Tết vì những hiểu lầm này - 1

“Năm nào cũng thế, cứ vào trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân phải nhập viện lại tăng. Đây là bệnh có số bệnh nhân mắc không nhiều như các bệnh khác nhưng tỷ lệ ca nặng, tử vong lại rất cao. Chỉ tính riêng tại Hà Nội năm 2016 ghi nhận hơn chục ca mắc nhưng có 1 ca tử vong, nhiều ca bị di chứng nặng…”, TS Phu cho biết.

Nhất là với liên cầu lợn, PGS Phu cho biết bệnh có xu hướng tăng trong những năm gần đây một phần do đặc điểm dịch tễ, dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn, dẫn đến vi khuẩn lưu hành trên đàn lợn nuôi chiếm tỷ lệ cao hơn. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là nhiều người khoái khẩu ăn món tiết canh, rồi nghĩ uống ngụm rượu vào sẽ tiêu diệt vi khuẩn, không còn bị tiêu chảy, bị liên cầu.

Trong khi đó, TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội khẳng định: Không có cách nào tiêu diệt được liên cầu lợn trong tiết canh, kể cả uống rượu ngoài chất tẩy rửa, nhiệt độ tối thiểu 60 độ C.

Dễ mắc bệnh chết người dịp Tết vì những hiểu lầm này - 2

Lợn “cắp nách”, lợn nhà là sạch

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, ông chắc chắn hỏi 100 người thì phần lớn trong số đó đều trả lời: ăn tiết canh vì ở quán người quen, lợn rõ nguồn gốc, lợn nhà nuôi, mua lợn cắp nách về thịt…

Nhưng ít người biết được khi lợn đã nhiễm khuẩn này (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC). Lúc đó, nếu không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao như trường hợp bệnh nhân hơn 40 tuổi ở thành phố Lai Châu (Lai Châu) đang nằm ở khoa cấp cứu trong tình trạng hoại tử da nặng mới đây.

Ăn nhiều mới bị, ăn ít không sao

BS Cấp cho biết, nhiều người nhà bệnh nhân hỏi, vì sao ăn có một bát tiết canh đã bị, có người ăn hai bát một lúc không sao.

Thực tế, ăn tiết canh, nói nôm na là uống sống tiết lợn. Trong đó, đủ loại vi khuẩn, vi rút có thể tồn tại. Với vi khuẩn liên cầu lợn, nạp một ngưỡng nhất định nào đó vi khuẩn liên cầu vào người thì sẽ gây bệnh.

Nhưng tính cảm nhiễm của mỗi người khác nhau, có thể cùng một lượng vi khuẩn nhưng có thể gây bệnh ở người này nhưng chưa biểu hiện bệnh ở người kia.

Đã mắc một lần sẽ không mắc lại

BS Cấp cho biết, với liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn gây ra, không có miễn dịch. Vì thế, đã mắc một lần vẫn hoàn toàn có thể mắc lại nếu tiếp tục ăn các thực phẩm có nguy cơ.

TS Phu chia sẻ, quan điểm của ông là những là mặt hàng thực phẩm không an toàn thì hoàn toàn có thể cấm được và nên có các biện pháp đủ mạnh để kiểm soát. Như tiết canh, trước đó vài năm Hà Nội đã từng có lệnh cấm bán tiết canh, hay cấm giết mổ gia cầm trong chợ.

“Tuy nhiên quan trọng nhất là ý thức người dân, không ăn thì không bị. Theo tôi, đừng vì không thắng nổi ham muốn ăn một bát tiết canh để rồi sự sống có thể bị đe dọa vì không may mắc phải khuẩn liên cầu”, TS Phu khuyến cáo.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm