Đầu tư cho hạnh phúc như thế nào?
(Dân trí) - Thực hiện thử nghiệm hạnh phúc trong 1 năm, Shawn Achor, tổng biên tập Goodthing và tác giả cuốn “Lợi thế của hạnh phúc” đã phát hiện ra những bài tập mang lại hiệu quả hạnh phúc tức thì. Điều thú vị là mỗi bài tập đó chỉ mất 2 phút.
Chúng ta hãy cùng tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện với Shawn:
Độc giả có thể làm gì để tạo ra nhiều hạnh phúc hơn nữa cho cuộc sống của họ?
Tôi đã luôn tìm kiếm 5 thói quen đơn giản như việc bạn chải răng mỗi ngày. Những thói quen siêu ngắn này không chỉ giúp bạn cải thiện tình trạng sức khỏe mà còn thúc đẩy mức độ hạnh phúc, nếu bạn thực hiện chúng mỗi ngày.
3 điều biết ơn. Hãy dành 2 phút mỗi ngày để tìm ra ba điều mới mẻ mà bạn cảm thấy biết ơn vì cuộc sống đã mang đến cho bạn. Thực hiện việc đó trong vòng 21 ngày. Sức mạnh nằm ở chỗ bạn đang huấn luyện cho bộ não tìm kiếm những điều tích cực, thay vì các mối đe dọa. Đó cũng là cách nhanh nhất để rèn luyện sự lạc quan.
Tôi đã từng làm việc với một công ty tài chính lớn, và yêu cầu họ nghĩ tới 3 điều khiến họ cảm thấy biết ơn trong vòng 21 ngày, nhưng kết quả không như mong đợi. Lý do là vì họ luôn luôn biết ơn 3 điều giống nhau: sức khỏe, công việc, và gia đình. Mọi thứ quá chung chung, vì vậy, họ không tìm thấy điều gì mới mẻ từ thế giới cả.
Vì vậy, thói quen này chỉ hiệu quả khi bạn tìm kiếm những điều mới mẻ và chúng phải thật sự cụ thể. Nếu bạn nói:”Tôi biết ơn vì đứa con trai của mình,” điều đó không có ý nghĩa gì cả. Nhưng nếu bạn nói: “Tôi biết ơn vì con trai đã ôm tôi hôm nay, điều đó có nghĩa là tôi đang được yêu thương vô điều kiện”, chi tiết cụ thể đó sẽ kích hoạt một mảnh ghép lạc quan trong bộ não của bạn. Điều này xảy ra bất kể với một đứa trẻ 4 tuổi hay một ông lão móm mém 84 tuổi.
Bạn có thể áp dụng bài tập này trong vòng 21 ngày từ cấp độ bi quan thấp cho tới lạc quan. Không có phép màu nào về con số 21 ngày cả. Người ta hy vọng, sau 21 ngày, mọi thứ không chỉ trở thành một thói quen hằng ngày, mà còn là thói quen cả cuộc sống.
Điều đó thực sự khiến con người cảm thấy sự thay đổi là khả dĩ. Những thói quen dường như ít quan trọng hơn so với thực tế là họ đã dành thời gian để lựa chọn hạnh phúc.
Sự nhân đôi. Dành 2 phút mỗi ngày, nghĩ về một trải nghiệm tích cực đã xảy ra trong vòng 24 giờ trước. Phóng đại từng chi tiết bạn có thể nhớ được.
Điều này hiệu quả vì não bộ không thể phân biệt giữa mô phỏng và trải nghiệm thực tế. Vậy nên bạn chỉ cần nhân đôi kỷ niệm ý nghĩa nhất, sau 21 ngày, não bộ sẽ bắt đầu kết nối các mảnh ghép và hình thành quỹ đạo trong suốt cả cuộc đời.
Tôi đã áp dụng bài tập này với Hiệp hội quốc gia MS. Nghiên cứu trước đây của trường Đại học Texac cũng chỉ ra rằng nếu bạn mắc phải một căn bệnh thần kinh mãn tính hoặc mệt mỏi mãn tính, thực hiện bài tập này 6 tuần liên tiếp và sau 6 tháng, lượng thuốc giảm đau hạ xuống còn 40%.
Số 15 vui vẻ. 15 phút tập thể dục cho tim mạch mỗi ngày tương đương với uống thuốc chống trầm cảm trong 6 tháng đầu tiên, nhưng tỷ lệ tái phát giảm 1/3 trong vòng 2 năm tiếp đó.
Đây không phải là sự phủ nhận đối với thuốc chống trầm cảm, mà chỉ là dấu hiệu chứng minh cho vai trò của tập thể dục. Bộ não có xu hướng lưu lại các thành tựu và lan truyền nó tới những hoạt động tiếp theo.
Hít thở. Chúng tôi đã thực hiện điều này tại Google bằng việc đơn giản là yêu cầu họ rời tay khỏi bàn phím trong vòng 2 phút mỗi ngày. Và từ việc rời khỏi hoạt động đa nhiệm, họ chỉ đơn giản cần theo dõi nhịp thở của mình. Kết quả, tỷ lệ chính xác tăng, mức độ hạnh phúc được cải thiện, đi cùng với sự căng thẳng được giải tỏa. Tất cả chỉ mất chưa đầy 2 phút.
(Nhà thần kinh học tại Havard: Thiền không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, đây còn là cách thay đổi bộ não của bạn)
Lòng tốt có ý thức. Đây là thói quen quyền lực nhất chúng tôi quan sát được cho đến nay. Với 2 phút mỗi ngày, hãy bắt đầu ngày làm việc bằng cách viết một email tích cực hoặc tán dương và cảm ơn ai đó. Và gửi chúng cho những người khác nhau mỗi ngày.
Những người thực hiện bài tập này không chỉ được nhận lại những lời tốt đẹp và đánh giá như những nhà lãnh đạo tích cực, mà sự kết nối với xã hội của họ cũng tăng vọt.
Kết nối xã hội không chỉ là chỉ số dự báo tuyệt vời nhất cho một hành phúc lâu dài - theo nghiên cứu thực hiện tại Havard mà nó còn mạnh mẽ hơn cả mối liên kết giữa hút thuốc lá và ung thư.
Những thói quen 2 phút này có thực sự làm nên điều khác biệt?
Có quá nhiều người đang phải đấu tranh để tạo ra hạnh phúc trong khi bộ não họ đang tràn ngập những tạp âm. Nếu não bộ của bạn đang nhận quá nhiều thông tin, nó sẽ tự động cho rằng bạn đang bị đe dọa và nhìn nhận thế giới với một con mắt tiêu cực đầu tiên. Và bởi vì bộ não là có giới hạn, bất cứ thứ gì đến đầu tiên sẽ trở thành hiện thực.
Điều tương tự xảy ra với các trường hợp thiếu ngủ. Nếu ngủ đủ 8 tiếng, bạn có thể nhớ 80% những điều tích cực và tiêu cực trong khoảng 24 giờ sau đó.
Nhưng với giấc ngủ 5 tiếng, bạn chỉ có thể nhớ 70% những điều tiêu cực, và 20-30% những điều tích cực. Vì vậy, thực tại thay đổi dựa trên việc bộ não của bạn có đang cảm thấy quá tải hay không.
Tôi nhận ra rằng, không quá khó để tạo ra hạnh phúc, thay vì cần một kì nghỉ 80 ngày vòng quanh thế giới, hãy nghĩ đến 3 điều khiến bạn cảm thấy biết ơn trong lúc chải răng, hoặc mỉm cười với một người lạ trên hành lang, chúng không chỉ giúp kích hoạt hạnh phúc trong bạn, mà còn giúp bạn lặp lại lựa chọn đó, mỗi ngày.
Có rất nhiều người đang bị vây quanh bởi những tạp âm, cảm thấy quá tải, lo âu hay trầm cảm. Ông đã từng nói về cuộc đấu tranh với chứng trầm cảm. Làm thế nào mà ông có thể đối phó với chúng?
Trầm cảm là một chứng bệnh xảo quyệt, vì nó dùng những thủ thuật khiến bạn tin tằng không cách nào có thể kiểm soát được nó, và điều đó tưởng chừng như là mãi mãi. Tôi từng trải qua chứng trầm cảm khi còn đang ở Havard, cố gắng áp dụng những thói quen tích cực để kéo bản thân thoát khỏi nó và nhận ra tất cả những lầm tưởng chỉ là dối trá.
Trầm cảm không phải kết thúc của câu chuyện, còn chúng ta không chỉ là sản phẩm của gen, môi trường và những chất dẫn truyền thần kinh. Mỗi lựa chọn hằng ngày có thể giúp chúng ta chiến thắng mọi thứ.
Ông thường tập những thói quen hạnh phúc nào?
Vợ tôi và tôi đều là những nhà nghiên cứu về hạnh phúc, và chúng tôi di chuyển hơn 200 ngày mỗi năm. Vì vậy chúng tôi phải đặt nghiên cứu về hạnh phúc này vào thực nghiệm, đặc biệt với chu kỳ 1 năm.
Khi mới bắt đầu thí nghiệm, tôi đã quyết định di chuyển đến cùng thành phố nơi chị gái tôi đang ở, để không chỉ chúng tôi có thể liên lạc với nhau mà con cái chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm gia đình.
Tôi thực hiện những hành động tri ân này khi bắt đầu cảm thấy tiêu cực. Tôi viết lách mỗi ngày, nhất là khi ở trên máy bay. Tôi tập thể dục mỗi ngày. Điều đầu tiên tôi làm mỗi khi tới khách sạn là tới phòng tập gym. Tôi thực sự mong chờ việc đó. Cũng như tôi thực sự mong chờ tới mỗi chuyến bay. Tôi khiến chúng trở nên thú vị bằng cách nghe những cuốn sách vui hay tích cực trên Audible.
Tôi làm những việc mà tôi tự gọi là đầu tư xã hội, bằng cách liên tục đầu tư vào những người xung quanh, nhất là những khi tôi cảm thấy căng thẳng, buồn bã hay cô đơn, thay vì làm những điều ngược lại mà phần lớn mọi người thường làm. Vì vậy, tôi sẽ viết một bức thư tích cực. Tôi gặp gỡ một người bạn. Nếu chuẩn bị đi đến một thành phố mới, tôi sẽ gửi thư mời một ai đó đi uống nước.
Điều chúng ta tìm kiếm không phải là những thứ vĩ mô quan trọng, mà là những lựa chọn nhỏ bé đem lại hạnh phúc và duy trì chúng một cách tốt nhất mỗi ngày.
Thu Trang - Nhân Hà
Theo Washington post