1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau mắt đỏ: Tự điều trị có thể bị mù lòa

Theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt, điều quan trọng nhất trong điều trị đau mắt đỏ là, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế kịp thời và không tự ý dùng thuốc điều trị, để tránh nguy cơ bị mù lòa vĩnh viễn.

Không tự ý dùng thuốc

 

Anh Đặng Đình Năm, 34 tuổi, quê Kim Bảng, Hà Nam bị đau mắt đỏ gần 2 tuần nay. Lúc đầu, anh chỉ đau mắt bên trái, hai ngày sau lan sang mắt phải, cả 2 mắt đều đỏ ngầu, nhiều ghèn che lấp cả hai mí. Buổi sáng ngủ dậy, anh Năm phải dùng 2 cục bông thấm nước, lau dần mới mở mắt được.

 

Ở cùng thôn với anh có nhiều người bị đau mắt đỏ và anh được mách mua thuốc có Cortisol về nhỏ sẽ nhanh khỏi. Vậy nhưng, nhỏ thuốc được hơn 1 tuần mà không khỏi, bệnh lại có triệu chứng nặng hơn, anh mới vào bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, mắt anh đã bị xước giác mạc, do ở nhà quá lâu, cùng với việc tự ý dùng sai thuốc, khiến bệnh trở nên trầm trọng.

 

Đau mắt đỏ, dân gian còn gọi là đau mắt gió, thực chất là viêm kết mạc cấp. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do vi khuẩn, vi rút, phổ biến là loại vi rút Andenol. Với những trường hợp đau mắt do vi rút, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ, có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch, hoặc đôi khi có hạch ở tay.

 

Theo TS. Phạm Văn Tần, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt TƯ, đau mắt đỏ thường xuất hiện ở những thời điểm chuyển mùa, độ ẩm trong không khí cao, là điều kiện lý tưởng cho vi rút phát triển. Bên cạnh đó, khi giao mùa, cơ thể người dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu, tạo điều kiện cho vi rút dễ tấn công.

 

Cũng theo TS Tần, thời điểm này, lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ vào khám bệnh tại bệnh viện tăng, có ngày gần 100 bệnh nhân và chủ yếu đến từ  Hà Nội. TS Tần cho biết, nguyên nhân của hiện tượng này có lẽ do trận ngập lụt lịch sử vừa qua, vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng và nhiều người còn chủ quan.

 

Hai đặc điểm đáng lưu ý nhất trong đợt dịch đau mắt đỏ năm nay là bệnh nhân vào viện với những biến chứng nặng hơn, có những bệnh nhân vào viện đã bị biến chứng viêm giác mạc. Viêm giác mạc sẽ để lại sẹo giác mạc, khiến mắt mờ vĩnh viễn, thị lực giảm trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân. TS Tần khuyến cáo, sẽ rất nguy hiểm nếu để tình trạng bệnh kéo dài, dùng thuốc không đúng cách, dẫn đến biến chứng tăng nhãn áp, là một bệnh lý gây glocom, dẫn đến mù lòa.

 

Nhiều sai lầm

 

Nhiều người cho rằng, một người bị đau mắt đỏ một lần sẽ không bị lại nữa. Đây là cách hiểu sai lầm. Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiều loại vi rút khác nhau. Chỉ tính riêng loại vi rút Andenol, cũng có nhiều type khác nhau. Do đó, có thể năm nay, người bệnh mắc phải một loại vi rút type này, nhưng năm sau có thể mắc phải vi rút type khác.

 

Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần. Do đó, quan niệm đau mắt đỏ chỉ bị lây khi người bệnh bị đỏ mắt cũng là không đúng.

 

Lại có người cho rằng, đau mắt đỏ, dùng kính là hoàn toàn tránh được nguy cơ lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, ThS Lê Xuân Cung, Phó trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện mắt TƯ cho biết: Đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh, mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính, nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.

 

Đau mắt đỏ lây truyền qua nhiều cách: Qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi mũi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.

 

Để tránh bị đau mắt đỏ, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan, nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Khi bị đau mắt đỏ, nên tránh ăn những thực phẩm kích thích, có vị nóng như hành, tỏi, hẹ, ớt cay, thịt dê, thịt chó, tránh thức ăn tanh như cá chép, cá mè, tôm, cua.

 

Theo Hạnh Quỳnh

Gia đình