Đâu là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày?
(Dân trí) - Trước kia nhiều người cho rằng căng thẳng thần kinh và lối sống, thậm chí di truyền là lý do dẫn đến viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, theo Giáo sư Barry Marshall, khuẩn HP mới là thủ phạm chính.
Ngày 26/2 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Huro Biotech và The Marshall Centre, thuộc Đại học Tây Úc. Buổi lễ có sự tham gia của GS Barry Marshall, người đoạt giải Nobel y sinh (2005) về công trình chứng minh mối liên hệ của vi khuẩn HP và viêm loét dạ dày.
Theo GS Barry Marshall, viêm nhiễm dạ dày là bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Trước kia, người ta nghĩ nguyên nhân gây bệnh là do lối sống, căng thẳng, thậm chí di truyền, nhưng thực chất là do sự phát triển của khuẩn HP.
Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn HP được cho là nguyên nhân chính gây ra hơn 90% trường hợp viêm ruột và 80% trường hợp viêm loét dạ dày ở người. Phát hiện của ông giúp xóa bỏ lầm tưởng trước đó cho rằng sự căng thẳng thần kinh và lối sống là lý do gây ra hai căn bệnh trên.
GS Barry Marshall cho biết, bệnh viêm dạ dày không loại trừ một ai, thậm chí cả trẻ em. Tại các nước khu vực châu Á, tỷ lệ nhiễm khuẩn HP nhiều. Đây là câu hỏi lớn cho các nhà khoa học, có thể do nhiễm khuẩn qua đường nước, nước bọt, không đảm bảo vệ sinh khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ…
Khả năng trẻ nhiễm khuẩn HP rất lớn nếu người mẹ nhiễm khuẩn này và cho trẻ ăn bằng cách nhai, mớm thức ăn.
"Hiện nay các nhà khoa học chưa chứng minh được việc sử dụng đũa ăn, chấm chung, gắp chung có làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm hay không. Tại Peru, các nhà khoa học từng phát hiện ADN của khuẩn HP trong nước", GS Barry Marshallnói.
Ông hy vọng sự hợp tác lần này sẽ giúp nâng cao hơn nữa kiến thức và hiểu biết và các phương án điều trị đối với loài vi khuẩn gây hại này tại Việt Nam. Đồng thời, mở ra những cơ hội để mở rộng một mạng lưới về nghiên cứu, đào tạo và điều trị HP cho người bệnh trên phạm vi toàn thế giới.
Trung Tâm Marshall tại Đại học Tây Úc là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, tập trung vào sử dụng công nghệ tân tiến để nhận biết, hiểu và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm. Trung tâm hiện nay đã mở rộng nghiên cứu nhiều bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu về vi khuẩn và virus.
Hơn 80% những người bị nhiễm HP trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một vi khuẩn hình que, sống trong môi trường có không khí, có một túm lông ở một đầu, nhờ những lông này mà vi khuẩn có thể chuyển động được. Vi khuẩn HP đã được tìm thấy ở trong dạ dày của người vào năm 1982 bởi hai nhà bác học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren.
Vi khuẩn này chính thức được công nhận là nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trên 80% những người bị nhiễm HP trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng.
Vi khuẩn HP cũng được coi là một vi sinh vật bình thường trong hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa của con người. Trên 50% dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn HP.
Ở các nước đã phát triển như Mỹ, các nước phương Tây, Úc… tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP thấp hơn, chỉ khoảng 20-40%. Trong khi đó ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP cao hơn rất nhiều. Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP tăng dần theo tuổi, vào độ tuổi 40-50 có tới 80% người dân Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP.
Có tới trên 80% người nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng cũng như không có biến chứng. Trong suốt cả cuộc đời của một người có nhiễm HP mà không điều trị, khoảng 10-20% có khả năng bị loét dạ dày tá tràng và 1-2% có khả năng bị ung thư dạ dày.
Năm 1994 Tổ chức Y tế Thế giới chính thức xếp vi khuẩn HP (H. pylori) là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.