Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư vòm họng

Hà An

(Dân trí) - Ung thư vòm họng là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và thường gặp ở các loại ung thư nói chung.

Nguyên nhân gây ung thư vòm họng

Đến nay nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm họng chưa rõ ràng, tuy nhiên có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, trứng, các loại củ) được xem là những yếu tố nguy cơ cao gây mắc bệnh ung thư vòm họng.

Virus Epstein-barr:  Gen của virus Epstein- Barr cũng được tìm thấy trong bệnh phẩm sinh thiết từ khối u vòm họng.

Thuốc lá, rượu cũng được xem là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh này.

Yếu tố di truyền: các nghiên cứu về di truyền học gần đây cho thấy có liên quan giữa mất gen ức chế u ở những bệnh nhân ung thư vòm họng.

Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư vòm họng - 1

Dấu hiệu của ung thư vòm họng 

Các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, thường không được lưu ý, và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên. Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau. 

Các dấu hiệu muộn: Thường có sau 6 tháng kể từ khi có triệu chứng đầu tiên do khối u phát triển tại chỗ hoặc xâm lấn gây ra.

Triệu chứng hạch cổ: phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên.

Triệu chứng mũi: ngạt tắc mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u.

Triệu chứng tai: phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi Eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng.

Triệu chứng mắt: vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.

Phòng bệnh

Để dự phòng ung thư vòm họng cần duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, cụ thể như sau:

- Không hút thuốc lá: nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây lên ung thư vòm họng.

Nếu như bạn có hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.

- Hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày.

- Không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối…

- Không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.

- Luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm