Ung thư vòm họng thai kỳ thách thức lớn trong điều trị
(Dân trí) - Đang mang thai ở tuần 20, người mẹ phát hiện bị ung thư vòm họng, các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống cả hai mẹ con. Tuy nhiên, đây là bệnh cảnh đặc biệt nguy hiểm, việc điều trị khó khăn.
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa cứu sống trường hợp 2 mẹ con sản phụ bị ung thư vòm họng được phát hiện trong thai kỳ. Khi đang mang thai ở tuần 20 người mẹ nhập viện với biểu hiện chảy máu mũi họng và nôn ra máu lượng nhiều, những cơn đau khiến chị không ăn uống được, cơ địa suy kiệt.
Các bác sĩ đã chẩn đoán, thai phụ bị ung thư vòm họng, khối u chèn ép trong hầu mũi. Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp liên chuyên khoa và phối hợp liên viện với Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cứu thành công cả mẹ và bé. Đây có thể được xem là một kỳ tích của y khoa Việt Nam khi vừa đẩy lùi được bệnh lý ung thư trên bệnh nhân vừa mang lại sự sống cho bệnh nhân, giúp người mẹ trẻ vượt cạn thành công, cháu bé chào đời khỏe mạnh.
Tuy nhiên, ở góc nhìn chuyên khoa, các bác sĩ nhận định mẹ con thai phụ đã đối mặt với những rủi ro rất lớn, nguy hiểm đến tính mạng. “Cửa sinh là cửa tử” nhưng trên cơ địa ung thư, các nguy cơ có thể cướp đi sinh mạng của cả mẹ và bé luôn cận kề bởi sự tổng hợp của nhiều yếu tố nguy cơ trong thai kỳ và yếu tố bệnh lý.
BS Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ung thư vòm họng là dạng ung thư thường gặp nhưng ung thư vòm trên bệnh nhân trẻ tuổi, đang mang thai là trường hợp rất hiếm gặp. Khi phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ thường có sự thay đổi về nội tiết tố vì vậy, trường hợp bệnh nhân trên khi vào viện tình trạng chảy máu rất khủng khiếp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa xạ trị, Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Ung thư vòm hậu thuộc vùng dịch tễ của khu vực châu Á. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã tra cứu y văn trong khoảng 10 năm gần đây tại Việt Nam không ghi nhận báo cáo nào về trường hợp ung thư vòm họng trên phụ nữ mang thai”.
Tình trạng chảy máu khiến thai phụ đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc mất tim thai bất kỳ lúc nào. Giải pháp làm thế nào vừa bảo tồn được tính mạng của người mẹ, vừa không làm ảnh hưởng tới con là công việc rất khó về mặt chuyên môn đối với các bác sĩ. Sau hội chẩn, bác sĩ đã truyền bổ sung máu cho người bệnh. Tổng lượng máu được truyền cho bệnh nhân lên tới 30 đơn vị (gần như thay toàn bộ máu trong cơ thể).
Trên thực tế xạ trị là phương án mang lại hiệu quả tốt cho những bệnh nhân ung thư vòm hầu. Tuy nhiên, trường hợp trên bệnh nhân có rối loạn đông máu trong thai kỳ, phương án xạ trị không được ưu tiên mà bị chống chỉ định.
BS Vương Đình Thy Hảo, Phó trưởng khoa Hóa trị, Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Phương án xạ trị không được chỉ định nhưng tình trạng của người bệnh không thể trì hoãn việc hóa trị. Tuy nhiên nếu sử dụng những phương pháp hóa trị thông thường sẽ ảnh hưởng rất xấu đến thai nhi. Chúng tôi đã tìm hiểu, áp dụng các giải pháp sử dụng thuốc tối ưu giúp giai đoạn hóa trị giảm được kích thước khối u nhưng ít ảnh hưởng nhất đến thai kỳ”.
Các phương án phối hợp đa chuyên khoa trong hỗ trợ cho người bệnh được triển khai, giải pháp hóa trị theo hướng ít ảnh hưởng nhất đến cả mẹ và bé, đồng thời cầm máu bằng ngoại khoa, phẫu trị, tăng cường dinh dưỡng cho cả thai phụ và thai nhi... đã giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch. Sự phối hợp giữa Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã giúp mẹ con sản phụ vượt cạn thành công, bé trai chào đời khỏe mạnh.
BS Nguyễn Văn Đô cho biết, sau thai kỳ việc xạ trị sẽ là yếu tố tiên quyết, chủ đạo trong điều trị ung thư vòm họng song cần phải phối hợp đa chuyên khoa trong suốt quá trình điều trị. Sắp tới, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tổng trạng của người bệnh, lên kế hoạch điều trị chi tiết. Dự kiến người bệnh sẽ được áp dụng các kỹ thuật cao trong xạ trị nhằm giảm tác dụng phụ, quá trình xạ trị sẽ kéo dài khoảng 2 tháng.