1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dấu hiệu chị em bước vào thời kỳ estrogen suy giảm

Nam Phương

(Dân trí) - Tình trạng mãn kinh là do sự kiệt quệ của buồng trứng, lượng estrogen giảm dần đến mức thấp nhất. Nó không chỉ khiến chị em có cảm giác khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh.

Thông tin được chuyên gia chia sẻ tại hội thảo khoa học về hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và các bài thuốc y học cổ truyền diễn ra ngày 3/11 tại Hà Nội.

Hội thảo do Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng phối hợp với Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Viện Nghiên cứu các Bài thuốc Dân tộc Việt Nam... tổ chức.

GS.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học về Sức khỏe Cộng đồng, Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng, cho biết, mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tất yếu xảy ra khi người phụ nữ vào độ tuổi 40-50 tuổi. Quá trình này xảy ra từ từ dẫn đến giảm chức năng buồng trứng.

Ở giai đoạn mãn kinh có khoảng 75% đến 90% phụ nữ có những biểu hiện rối loạn chức phận toàn thân, đặc biệt có những cơn bốc hỏa lên mặt rất khó chịu và những rối loạn về tâm sinh lý, trong đó có 5-10% có triệu chứng trên cần được điều trị.

Dấu hiệu chị em bước vào thời kỳ estrogen suy giảm - 1

GS.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học về Sức khỏe Cộng đồng, Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng (Ảnh: M.Q).

Nguyên nhân mãn kinh là do sự kiệt quệ của buồng trứng. Vào thời kỳ mãn kinh, ở buồng trứng số nang trứng còn rất ít, lượng estrogen giảm dần đến mức thấp nhất.

GS Siêm cho biết thêm, các biểu hiện lâm sàng của thời kỳ này rất đa dạng như thiếu estrogen nội sinh ở cơ quan sinh sản, tuyến vú, loãng xương, thay đổi tâm lý, bốc hỏa… Nếu dư thừa estrogen nội sinh, chị em sẽ có biểu hiện vẫn ra máu tử cung, đau cương vú, lạc nội mạc tử cung, bụng ấm ách, u xơ tử cung lớn lên...

Các dấu hiệu khác của mãn kinh gồm tính tình không ổn định, cảm giác tê bì, ngứa ngáy, mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, kém ăn, đau khớp, đau cơ... Một số người béo ra, lên cân lại nghĩ là do biến đổi nội tiết.

Cũng theo ông, song song với y học hiện đại, y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp không dùng thuốc (xoa bóp, châm cứu, dưỡng sinh...) hoặc những bài thuốc, vị thuốc có tác dụng tốt để điều trị hội chứng mãn kinh.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết, y học cổ truyền Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Những bài thuốc y học cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền không chỉ là phương pháp chữa bệnh mà còn là di sản văn hóa quý giá, phản ánh tri thức, kinh nghiệm của ông cha ta.

Trong bối cảnh y học hiện đại ngày càng phát triển, việc nghiên cứu và đánh giá tác dụng của các phương pháp, bài thuốc y học cổ truyền được đặt ra và ngày càng cần thiết để khẳng định và phát huy giá trị đó.

"Hội nghị quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực y học cổ truyền. Đây là cơ hội để chúng ta học tập trao đổi kiến thức và mở ra hướng nghiên cứu mới, đưa y học cổ truyền Việt Nam phát triển bền vững hội nhập với y học hiện đại", GS Cảnh nói.

Hiện nay, trong cả nước có hàng chục ngàn thầy thuốc đông y đang hành nghề khám chữa bệnh cùng với hàng trăm ngàn bài thuốc đông y gia truyền và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc độc đáo, hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của các bậc danh y, lương y nổi tiếng đang dần bị mai một. Một số dược liệu quý cũng dần trở nên khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.