Dấu hiệu cảnh báo đục thủy tinh thể ở người trẻ

Nam Phương

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng đục thủy tinh thể là bệnh của người già. Tuy nhiên, theo bác sĩ hiện nay bệnh lý này cũng gặp ở người trẻ rất nhiều.

Chia sẻ bên lề hội thảo cập nhật các kỹ thuật mổ mắt mới diễn ra tại Hà Nội chiều 27/5, Ths.BS Đặng Thị Như Quỳnh, chuyên gia về nhãn khoa cho biết đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt hay gặp nhất ở người già. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi, từ 65 tuổi có đến 70% người bị bệnh lý này. Từ 70 tuổi trở lên, tỷ lệ này lên đến 80%. Mức độ đục của thủy tinh thể sẽ tăng dần.

Về chuyên môn, bệnh được chia làm 5 mức độ. Mức độ cần phải thay đục thủy tinh thể là khi thị lực chỉ đạt 1/10. Cụ thể, nếu người nhà giơ ngón tay ở khoảng cách 5m mà người thân vẫn nhìn rõ thì thị lực đạt 1/10 trở lên. Nếu giơ ngón tay mà nhìn không rõ thì thị lực dưới 1/10. Đây là dấu hiệu chỉ điểm cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác xem có đúng bị đục thủy tinh thể hay không.  

Dấu hiệu cảnh báo đục thủy tinh thể ở người trẻ - 1

Ths.BS Đặng Thị Như Quỳnh.

"Ngoài ra, hiện tại bệnh đục thủy tinh thể cũng gặp rất nhiều ở người trẻ, đặc biệt là ở những người dùng các thuốc chứa corticoid kéo dài. Một phần là do họ có bệnh lý toàn thân như hội chứng thận hư bắt buộc phải dùng thuốc corticoid. Vì thế, có người mới 20 tuổi đã bị đục thủy tinh thể", BS Quỳnh cho biết. 

Bên cạnh đó, việc tự dùng các thuốc điều trị viêm kết mạc, ngứa mắt có chứa corticoid cũng rất dễ gây đục thủy tinh thể sớm. 

Theo BS Quỳnh, với ánh sáng trong phòng, nhiều bệnh nhân không thấy mờ nhiều. Tuy nhiên, khi ra ngoài trời nắng họ lại thấy rất mờ, lóa, khó chịu đến mức phải đi khám. 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà gần đây số trường hợp đến phẫu thuật đục thủy tinh thể tăng lên rõ rệt. Đặc biệt nhiều trường hợp để muộn, thủy tinh thể quá chín, nhân cứng… khiến cuộc mổ phức tạp hơn rất nhiều, hiệu quả cải thiện thị lực không cao. Đục thủy tinh thể chia làm 5 mức độ thì độ 3-4 là thời điểm mổ tốt nhất. 

BS Bùi Quang Tuấn cũng cho biết thêm đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Đây là tình trạng thủy tinh thể mất tính trong suốt. 

Nguyên nhân gây bệnh có thể do bẩm sinh, lão hóa. Người trên 50 tuổi bắt đầu có hiện tượng đục thủy tinh thể, tùy mỗi người mà quá trình này diễn ra nhanh hay chậm. Ngoài ra, có thể do chấn thương, viêm nhiễm tại mắt, một số bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp có thể gây đục thủy tinh thể sớm hơn. 

"Triệu chứng của bệnh gồm nhìn mờ, có cảm giác nhìn 2 hình; chói sáng, tình trạng này rõ nhất khi bệnh nhân đi ra ngoài nắng hay đi vào ban đêm có đèn pha đối diện chiếu vào. Một số bệnh nhân có thể bị thay đổi màu sắc khi nhìn hay có màng sương trước mắt, luôn có cảm giác giống có màng mây trước mắt", BS Tuấn chia sẻ.

Điều trị bệnh hiện có 2 phương pháp là theo dõi, dùng thuốc và điều trị triệt để bằng phẫu thuật. Với những trường hợp chưa cần thiết phải mổ thay thủy tinh thể, việc dùng thuốc có tác dụng làm chậm diễn tiến của bệnh.