Gần 0,5% dân số bị mù vì đục thủy tinh thể
(Dân trí) - Hiện cả nước có khoảng 450.000 người bị mù chiếm 0,5% dân số, trong đó có 300.000 người mắc bệnh đục thủy tinh thể. Đây là chứng bệnh để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội nhưng vẫn chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.
Bệnh đục thuỷ tinh thể (cườm khô) là nguyên nhân lớn nhất gây mù trên toàn thế giới với 18 triệu người bị mù. Tại Việt Nam, mỗi năm lại có khoảng 0,025% dân số bị mù do đục thủy tinh thể, hiện có khoảng 450.000 người bị mù chiếm 0,5% dân số cả nước.
Hiện mỗi năm cả nước mới chỉ mổ được khoảng 1/3 số bệnh nhân cần mổ. Để giải quyết tình trạng mù lòa do đục thủy tinh thể thì phẫu thuật vẫn là biện pháp duy nhất đem lại ánh sáng cho người bệnh.
Theo BSCK II Trần Thị Phương Thu, Giám đốc bệnh viện Mắt TPHCM, bệnh đục thủy tinh thể không phải là ung thư hoặc khối u bất thường trong mắt. Nguyên nhân chính dẫn đến đục thủy tinh thể liên quan đến tuổi già, bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp, cận thị, chấn thương. Trên 80% người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người có độ tuổi trên 50.
Bệnh này là do những thay đổi vật lý trong các thành phần của thể thủy tinh gây đục. Chứng bệnh này có thể được bác sĩ chuyên khoa Mắt phát hiện một cách dễ dàng trong quá trình kiểm tra cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bệnh nhân do hoàn cảnh khó khăn hoặc chủ quan nên để bệnh chuyển nặng mới nhập viện gây khó khăn cho công tác chữa trị.
Hiện y học vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể. Vì thế BS Phương Thu khuyến cáo người dân nếu mắt xuất hiện các triệu chứng như nhìn thấy mờ, thị lực suy giảm, khó nhìn, lóe sáng, quáng gà, ra nắng mờ hơn trong nơi râm mát, nhìn một vật thành hai hoặc ba,... phải đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời tránh trường hợp mù vĩnh viễn có thể xảy ra.
Li Uyên