1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ em cũng bị đục thủy tinh thể

Bé nhà tôi được 10 tháng. Gần đây, khi nhìn kỹ vào mắt bé, tôi phát hiện có đốm trắng trong con ngươi. Liệu mắt bé có bị bệnh gì không? Tuyết Minh (Q.9, TPHCM)

BS Võ Thị Chinh Nga, Bệnh viện Mắt TPHCM, tư vấn

 

BS Võ Thị Chinh Nga, Bệnh viện Mắt TPHCM, tư vấn:

 

Theo miêu tả, nhiều khả năng mắt của bé bị đục thủy tinh thể, dân gian hay gọi là cườm khô. Thể thủy tinh là một thấu kính hai mặt lồi, bình thường trong suốt, khi mất đi sự trong suốt, y học gọi đó là bệnh đục thủy tinh thể. Đây là bệnh gây mù hàng đầu ở cả người lớn và trẻ em. Chị cần đưa bé đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị sớm.

 

Không chỉ ở người lớn tuổi, đục thể thủy tinh có thể gặp ở trẻ nhỏ, ngay cả khi mới sinh, được gọi là đục thể thủy tinh bẩm sinh. Nguyên nhân có thể do di truyền, do rối loạn nhiễm sắc thể, có bất thường trong quá trình phát triển phôi thai hay trong quá trình mang thai; đặc biệt là ba tháng đầu mà mẹ bị cảm cúm, nổi ban do nhiễm Rubella, nhiễm các virus như CMV, Herpes, sởi, thủy đậu… hoặc mẹ dùng thuốc không đúng trong thai kỳ. Ngoài ra, còn có thể do trẻ bị các bệnh về chuyển hóa, do dùng corticoide lâu ngày…

 

Nếu không được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây mù lòa vĩnh viễn cho trẻ. Các dấu hiệu để cha mẹ nhận biết trẻ có nguy cơ bị đục thể thủy tinh như sau: mắt trẻ xuất hiện con ngươi trắng (đồng tử trắng, đốm trắng trong tròng đen); trẻ không nhìn theo bóng cha mẹ hay người thân di chuyển xung quanh; mắt lé hoặc hơi lé; trẻ hay nheo mắt khi ra nắng; trường hợp lớn hơn thì trẻ cho biết mắt mờ đi…

 

Hàng năm, Bệnh viện Mắt TPHCM có khoảng trên 400 trường hợp bị đục thể thủy tinh bẩm sinh và đục thể thủy tinh trẻ em (đặc biệt là những năm có dịch nhiễm rubella ở các khu công nghiệp, nhiều nữ công nhân bị mắc phải trong ba tháng đầu thai kỳ).

 

Theo Phụ nữ TPHCM