Dầu gạo: Dùng sao cho hiệu quả?

(Dân trí) - Được các chuyên gia đánh giá là dầu ăn cao cấp, tốt cho sức khỏe, dầu gạo đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới.

Dầu gạo: Dùng sao cho hiệu quả? - 1

Những đặc tính nổi trội của dầu gạo

Trong bài trình bày tại Hội nghị Dầu gạo Quốc tế ICRBO 2018 vừa tổ chức tại Việt Nam ngày 23-25/5, GS Yiqun Wang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và Hóa học thần kinh, Nhà nghiên cứu cao cấp của IBCHN Anh, cho biết: Dầu gạo được trích ly từ lớp vỏ cám của hạt gạo, vốn rất giàu các dưỡng chất quý giá.

Ví như hàm lượng cao chất glycolipids trong dầu gạo có tác dụng điều hòa các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Polyphenol trong dầu gạo không những giúp kiểm soát cholesterol trong máu & phòng ngừa bệnh lý tim mạch mà còn hỗ trợ trung hòa các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa. Phytosterols có tác dụng chống viêm, cải thiện hệ thống miễn dịch và chống o-xy hóa. Chất đường hydrocarbon trong dầu gạo cũng có thể chống được một số bệnh tật.

Đặc biệt, chất Gamma-Oryzanol có khả năng ngăn chặn hấp thu cholesterol xấu từ ruột, đồng thời chống lại quá trình ôxy hóa hiệu quả gấp 04 lần so với vitamin E, giúp ngăn sự hình thành các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch, phòng tránh các bệnh suy giảm trí nhớ…

Đáng chú ý, theo TS. Yuanrong Jiang, Tổng giám đốc TT Nghiên cứu Wilmar toàn cầu, tỉ lệ các axit béo no (SFA), axit béo không no 1 nối đôi (MUFA) và axit béo không no nhiều nối đôi (PUFA) trong dầu gạo là khá cân bằng, tiệm cận với khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới.

Đó là lý do vì sao dầu gạo được WHO, Viện Tim Hoa Kỳ, Viện Dinh dưỡng quốc gia Ấn Độ, Hội đồng nghiên cứu Y học Ấn Độ, Hiệp hội dầu ăn Nhật Bản và Hiệp hội Dầu và Ngũ cốc Trung Quốc công nhận là loại dầu tốt cho sức khỏe.

Mỗi quốc gia một cách dùng

Được biết đến tại Trung Quốc từ năm 1917, các bác sĩ đã mô tả lớp dinh dưỡng trơn mượt như dầu mỡ nổi bên trên nồi cháo chính là thức uống kỳ diệu để một người ốm yếu trở nên béo khỏe trong các tài liệu cổ.

Theo đó, bác sĩ ở TP Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc) đã chỉ cách làm như sau: Lớp dinh dưỡng này sẽ tốt nhất khi ninh 20kg gạo mỗi lần (không cho muối) và hớt lấy 1 bát uống mỗi ngày.

Tuy nhiên, với công nghệ trích ly dầu gạo từ lớp cám gạo ra đời năm 2000, cứ 200kg lúa gạo cho ra 1 lít dầu gạo, việc sử dụng chất dinh dưỡng đặc biệt này đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Dầu gạo giờ đây có thể tìm thấy trong siêu thị, cửa hàng và cả trong các nhà thuốc tại Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ dinh dưỡng của người dân.

TS. Mayu Aizawa, Phụ trách văn phòng đại diện công ty Thực phẩm Tsuno (Nhật Bản), cho biết: 40% các trường học ở Nhật sử dụng dầu gạo trong các bữa ăn trưa và chiều.

Bà Mayu phân tích: khi sử dụng dầu gạo để chiên rán tempura, món ăn sẽ có màu sắc tươi sáng hơn, vị thơm ngon hơn, xốp giòn hơn, không gây đầy bụng và không có mùi dầu.

Dầu gạo: Dùng sao cho hiệu quả? - 2

Trong khi đó, tại Mỹ, theo đầu bếp người Mỹ gốc Việt Jack Lee - Giám khảo “Vua đầu bếp nhí” và là đầu bếp chuẩn bị nhiều bữa ăn cho những người nổi tiếng như gia đình Michael Jackson…, thực khách của ông rất ưa chuộng các món ăn chế biến bằng dầu gạo.

Bởi các món sa lát trộn dầu gạo sẽ cho hương vị dễ chịu, ngon miệng. Còn với các món chiên xào, do dầu gạo có ưu điểm ít thấm hút hay bám dính vào thực phẩm khi chiên, xào cùng với điểm bốc khói cao (254 độ C) nên các món ăn có màu sắc dịu nhẹ, không ngán và đặc biệt là không làm tăng cân.

Trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị, PGS.Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, người đã có hơn 15 năm nghiên cứu về dầu gạo, cho biết: bà cũng tư vấn cho nhiều bà mẹ trộn dầu gạo vào cháo bột cho trẻ nhỏ và đều nhận được phản hồi tốt như hương vị dịu nhẹ chứ không nồng như các loại dầu khác; đồ chiên rán bằng dầu gạo cũng được trẻ thích ăn hơn vì không gây ngán, ngấy

“Mỗi ngày sử dụng 20ml dầu gạo (cho các món không qua nhiệt – PV) có thể giúp giảm cholesterol xấu, góp phần phòng ngừa nguy cơ bệnh tim mạch”, PGS Trương Tuyết Mai khuyên.

Dầu gạo: Dùng sao cho hiệu quả? - 3

Trên thực tế, tại Hội nghị, các món bánh quy, bánh mỳ sử dụng dầu gạo trong thành phần được giới thiệu cho khách tham dự đều rất thơm ngon. Các đầu bếp cho biết, do điểm bốc khói cao cùng hương vị rất dịu nhẹ nên dầu gạo góp phần dậy mùi thơm của bơ hơn khi sử dụng các loại dầu khác.

Ngân Hà