Đau đầu sau khi ngã xe đạp, bé 7 tuổi bất ngờ phát hiện chấn thương sọ não

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi ngã xe bé gái này hoàn toàn tỉnh táo. Thế nhưng đến sáng hôm sau trẻ phải nhập viện vì triệu chứng lạ.

Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận điều trị cho một bé gái 7 tuổi chấn thương sọ não do ngã xe đạp.

Theo chia sẻ của gia đình, trước đó, khoảng 18h ngày 9/8, bé đi xe đạp tự ngã. Sau đó bé vẫn tỉnh táo và chỉ có tình trạng đau đầu. Tuy nhiên đến đêm, bé xuất hiện tình trạng nôn ra thức ăn và đau đầu nhiều. Sáng 10/8, bé nôn nhiều hơn, gia đình phải đưa đến Bệnh viện để cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bé được kiểm tra, chụp CT scanner sọ não. Kết quả cho thấy: Hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh phải; vỡ xương đỉnh, thái dương phải.

Đau đầu sau khi ngã xe đạp, bé 7 tuổi bất ngờ phát hiện chấn thương sọ não - 1

Đau đầu sau khi ngã xe đạp, bé 7 tuổi bất ngờ phát hiện chấn thương sọ não (Ảnh minh họa).

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi này chia sẻ: "Hiện các bác sĩ đang theo dõi sát sức khỏe của bé, tình trạng tri giác và tình trạng khối máu tụ sọ não".

Qua trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo, chấn thương sọ não là chấn thương rất nguy hiểm vì vậy phụ huynh có con em cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ. Khi gặp các trường hợp té ngã chấn thương vùng đầu, cần phải theo dõi kỹ hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra nếu có bất thường như đau đầu, buồn nôn, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng.

Các bé trong độ tuổi tập đi và đi xe đạp cần có mũ bảo hiểm chuyên dụng cho trẻ.

Cần lưu ý rằng, tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Với bản tính thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nào trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, ngã xe…

Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình, trẻ cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ, để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.