Đặt nội khí quản qua ống nội soi, cứu sống bệnh nhân thai ngoài tử cung bị vỡ

(Dân trí) - Ngày 3/2, bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của bệnh viện này vừa cứu sống bệnh nhân thai ngoài tử cung vỡ.

Đặt nội khí quản qua ống nội soi, cứu sống bệnh nhân thai ngoài tử cung bị vỡ - 1
Bệnh nhân hiện đang được theo dõi tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

 Lúc 5h30 ngày 1/2, bệnh nhân Nguyễn Thuỳ T. 24 tuổi địa chỉ Gò Quao, Kiên Giang nhập viện Đa khoa Hậu Giang trong tình trạng trễ kinh 2 tuần, đau bụng hạ vị, thiếu máu cấp mức độ nặng. Các bác sĩ chẩn đoán mất máu cấp mức độ nặng biến chứng rối loạn đông máu, thai ngoài tử cung vỡ, dị tật xương hàm do chấn thương di chứng cứng hàm.

Bệnh nhân còn có tiền sử bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng hàm mặt 10 năm không có điều kiện điều trị nên bị cứng hàm, không thể há miệng được, việc ăn uống gặp nhiều khó khăn.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực với truyền dịch, truyền máu...Nhận định đây là một trường hợp nặng, vượt khả năng chuyên môn nên trực lãnh đạo bệnh viện Hậu Giang đã thực hiện báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Do được thông báo đầy đủ thông tin bệnh nhân từ tuyến trước nên Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và đặc biệt là các ê kíp đầy đủ các chuyên gia để sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân.

Vấn đề khó trên bệnh nhân này là không thể thực hiện gây mê đặt nội khí quản qua đường miệng như những người bệnh thông thường khác, bởi bệnh nhân không há miệng được.

Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu, dùng phương pháp vô cảm bằng gây mê nội khí quản qua ống nội soi mềm. 

Kết quả phẫu thuật ổ bụng có 800 ml máu, thai ngoài tử cung ở tai vòi phải đang chảy máu. Xử trí cắt tai vòi phải, khâu cầm máu. Sau phẫu thuật sinh tồn bệnh nhân ổn định.

Ngày 3/2 bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định.

Theo các bác sĩ, đặt nội khí quản có hỗ trợ ống soi phế quản mềm là thiết bị soi thanh quản gián tiếp để đặt ống nội khí quản trong trường hợp đặt ống khó. Thiết bị này có thể được ứng dụng qua đường mũi hoặc đường miệng, được dùng trong trường hợp bệnh nhân có cứng khít hàm và các bệnh nhân có các khối u cản trở đường thở. Phương pháp này phức tạp và đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ gây mê hồi sức.

 Phạm Tâm