“Đạp” sóng ra biển cứu người

(Dân trí) - Nhận được thông tin trên biển có ngư dân đang gặp nạn, Đài thông tin duyên hải nối máy cho Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng. Thấy ngư dân này bị nặng cần được đưa vào bờ điều trị, các bác sĩ sẽ lập tức ra khơi.

115 trên bờ "kiêm" trên biển

Chúng tôi đến Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng trong không khí cả nước đang kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Các y bác sĩ ở đây vẫn cần mẫn làm những công việc thường ngày của mình. Tiếng còi cấp cứu bên ngoài hú lên liên tục khiến cho công việc càng khẩn trương, gấp gáp hơn.

“Đạp” sóng ra biển cứu người - 1
Bác sĩ Hồng hướng dẫn cách sơ cấp cứu cho ngư dân bị thương ngoài biển

Theo bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng, nhiệm vụ của trung tâm là cấp cứu trên bờ. Thế nhưng, từ lâu, mỗi lần có những trường hợp trên biển gặp nạn nặng, cần được cấp cứu, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Bộ đôi biên phòng TP. Đà Nẵng, Vùng 3 Hải quân… phối hợp với Trung tâm cấp cứu để đưa bác sĩ ra biển. Từ đó, việc cứu nạn trên trở thành thông lệ đối với trung tâm.

Bác sĩ Hồng là người đã nhiều lần tham gia cứu nạn trên biển. Chị còn nhớ lần đi cùng Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải khu vực 2 ra khơi cứu một thuyền viên bị té chấn thương sọ não.

“Hôm đó thời tiết trong đất liền đẹp, nhưng khi vừa vượt qua phao số 0 thì sóng to gió lớn. Sóng lớn đến mức đập vỡ kính tàu cứu nạn. Sau một thời gian tìm kiếm, tàu của Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải khu vực 2 cũng tìm được tàu bị nạn nhưng không thể tiếp cận được. Mãi đến khi tàu cứu nạn lai dắt tàu bị nạn vào gần phao số 0, lực lượng cứu nạn mới tiếp cận và đưa ngư dân qua tàu cứu nạn tiến hành cấp cứu”, bác sĩ Hồng nhớ lại.
 
“Đạp” sóng ra biển cứu người - 2

Cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển

Tại Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng, bác sĩ Tôn Thất Tuấn là người đi biển cứu nạn nhiều nhất và thường là những chuyến đi xa. “Ở đâu có người bị nạn cần đến mình thì mình đi thôi chứ không kể xa hay gần”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Trong những chuyến “đạp” sóng ra biển cứu người, bác sĩ Tuấn nhớ nhất là chuyến đi cùng Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải khu vực 2 cứu ngư dân trên tàu cá gặp nạn do bão. “Chuyến đi ấy, trời đang bão nên biển động, trời đất xậm xịt. Khi đến khu vực của tàu gặp nạn do trời tối nên tàu cứu nạn tìm mãi mới mấy thấy tàu cá gặp nạn. Tôi cùng một số thủ thủy của tàu cứu nạn xuống ca nô để qua tàu gặp nạn. Sau khi tiếp cận được với tàu cá, chúng tôi tiến hành cấp cứu cho ngư dân bị nạn và họ qua tàu cứu nạn để đưa vào bờ. Tuy nhiên, chuyến này không về Đà Nẵng mà vào Nha Trang vì từ chỗ tàu gặp nạn vào Nha Trang gần hơn về Đà Nẵng. Sau khi đưa bệnh nhân vào bờ, tôi ở lại Nha Trang một đêm, sáng hôm sau mới bắt xe đò ra Đà Nẵng”, bác sĩ Tuấn kể lại.

Say sóng cũng phải bò dậy cứu người

Thông thường các ngư dân gặp nạn trên biển là do thời tiết xấu, mưa gió bão bùng, thuyền va vào đá hay hai thuyền đâm vào nhau khiến ngư dân trên thuyền bị chấn thương hoặc do khi ra căng buồm, cột dây… để chống bão bị té ngã. Thế nên những người đi cứu nạn cũng hầu như đi ra khơi trong thời tiết mưa bão. Cho nên việc cứu nạn thường gặp khó khăn đặc biệt là say sóng. Ngay cả các thủy thủ, quen với sóng gió nhưng do sóng quá lớn cũng phải nôn mửa. Đối với các bác sĩ ở trung tâm cấp cứu lại càng khó khăn hơn.

Theo bác sĩ Tuấn, cấp cứu người trên biển khác nhiều so với cấp cứu trên đất liền. Bởi dưới biển có sóng nên rất khó làm, sự tập trung cũng khó hơn, luôn có cảm giác rơi xuống biển là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo các y bác sĩ ở đây, say sóng cũng phải bò dậy mà cứu người.

“Đạp” sóng ra biển cứu người - 3
Bác sĩ Tuấn là người tham gia cứu nạn trên biển nhiều nhất 

Điều dưỡng Lưu Thị Oanh Thắng cũng là người tham gia nhiều chuyến ra biển cứu nạn. Chị còn nhớ chuyến ra biển cứu các ngư dân nước ngoài bị thương do hai thuyền đâm vào nhau. Vừa bước lên tàu chị đã say sóng. Tuy nhiên, khi tiếp cận tàu gặp nạn, thấy họ vừa đói khát vừa hoảng loạn chị lại quên hết mệt mỏi, lao vào cứu chữa cho các ngư dân.

Với những đóng góp của mình, bác sĩ Hồng từng được Cục hàng hải Việt Nam tặng bằng khen, bác sĩ Tuấn cũng được Cục hàng hải Việt Nam và Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải Việt Nam tặng bằng khen.

Khánh Hồng