Hạnh phúc nhất là được gần gũi với bệnh nhân bị “hắt hủi”

(Dân trí) - “Bây giờ mình coi bệnh viện như nhà, bệnh nhân như người thân mình. Một ngày tôi không được chăm sóc cho bệnh nhân là không chịu được. Có lẽ với tôi, hạnh phúc nhất bây giờ là được gần gũi với bệnh nhân”, BS Đinh Thị Được, bệnh viện Phong Quy Hòa, tâm sự.

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn không xa nhưng bệnh viện Phong Quy Hòa trông thật yên bình trong sự bao bọc của sông núi với hơn 300 số phận, đa phần là bệnh nhân nghèo, ít nhiều bị người đời xa lánh.

 

Hạnh phúc nhất là được gần gũi với bệnh nhân bị “hắt hủi” - 1

Bà Hương hàng tháng xuống thăm chồng tại bệnh viện Phong Quy Hòa

 
Bà Nguyễn Thị Hường (62 tuổi) quê ở Gia Lai xuống thăm chồng là ông Phan Sanh tâm sự: “Bị bệnh phong này khổ lắm, mọi người sợ lây nên xa lánh, hắt hủi, nhìn mình với ánh mắt khinh bỉ. Mình nhà nông nghèo khổ, may nhờ có bệnh viện và các bác sỹ chăm sóc nếu không gia đình cũng chẳng biết dựa vào đâu”.

 

Nhưng ông trời không lấy đi tất của ai cái gì bao giờ bởi họ được tập thể các y bác sĩ nơi đây hết mình chăm sóc, yêu thương còn hơn cả người nhà.

 

Bác sỹ Lê Hồng Minh, Phó khoa Khám bệnh, BV Phong Quy Hòa, năm nay đã gần bước sang tuổi sáu mươi, quê ở tận Thanh Hóa. Sinh ra vào thời chiến tranh, tham chiến đấu tại chiến trường B tỉnh Quảng Nam. Sau giải phóng anh được cử đi học lớp y sỹ trong quân đội, xong về phục vụ trong Cục hậu cần quân Khu V. Nghỉ hưu năm 2003, nhưng khi được bác sỹ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong Quy Hòa, mời về, bác sỹ Minh đã rời quê hương, thầm lặng khám, chăm sóc, điều trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân phong suốt 10 năm qua.

 
Hạnh phúc nhất là được gần gũi với bệnh nhân bị “hắt hủi” - 2

Bác sỹ Lê Hồng Minh đang khám cho bệnh nhân phong ở Quy Hòa

“Họ là những người bị xa lánh, chính họ mới càng cần nhiều hơn những tấm lòng của những người có chân tay bình thường như chúng ta. Nhìn thấy những bệnh nhân phong bị cụt tay chân, không tự chăm sóc cho mình khiến tôi luôn thấy đau lòng. Chừng nào bệnh viện còn cần tôi thì tôi còn chăm sóc cho người bệnh”, BS Minh tâm sự.

 

Bác sỹ Đinh Thị Được (53 tuổi) nhưng đã có 36 năm cống hiến cho những bệnh nhân phong Quy Hòa chia sẻ: “Nghe nói đến bệnh phong dường như nhiều người chưa hiểu, tưởng cứ tiếp xúc với bệnh nhân phong là lây bệnh và không chữa được nên nhiều người xa lánh. Có người nhìn họ với ánh mắt kỳ thị. Nghĩ cũng tội, ngay cả người nhà khi người thân bị bệnh họ đem xuống viện khám rồi như giao khoán cho bệnh viện, có người thân đi thăm bệnh nhân cũng sợ chẳng dám lại gần. Riêng tôi, bây giờ mình coi bệnh viện như nhà, bệnh nhân như người thân mình. Một ngày, tôi không được chăm sóc cho bệnh nhân là không chịu được. Có lẽ với tôi hạnh phúc nhất bây giờ là được gần gủi với bệnh nhân”.

 

Hạnh phúc nhất là được gần gũi với bệnh nhân bị “hắt hủi” - 3

Bác sỹ Đinh Thị Được đã có 36 năm gắn bó với bệnh nhân phong

Không chỉ các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm thấu hiểu và yêu thương những bệnh nhân phong như người nhà, mà ngay cả những y bác sĩ tuổi đời mới đôi mươi cũng tình nguyện về đây.
 

Vừa tốt nghiệp trường cao đẳng Y tế Ninh Bình, Đinh Xuân Tứ (23 tuổi) quê ở Ninh Bình, định xin vào đây làm việc, với mong muốn xóa bỏ những tư tưởng kỳ thị với người bị mắc bệnh phong.

 

“Thú thực khi còn nhỏ nhìn thấy người bị phong em rất sợ và không dám lại gần. Đến bay giờ được học, hiểu biết em mới thấy những người không may bị bệnh phong thì cần được xã hội, mọi người quan tâm chăm sóc nhiều hơn”.

 

Hạnh phúc nhất là được gần gũi với bệnh nhân bị “hắt hủi” - 4
Thế hệ trẻ rất cần những người như Tứ
 

Hay như anh Đào Văn Thắng (28 tuổi) mới về làm tại bệnh viện được hơn 1 năm nhưng trước khi về anh đã đấu tranh tư tưởng cả tuần trời, để lại vợ mới cưới đang học ở TPHCM để ra Bệnh viện phong Quy Hòa lập nghiệp.

 

hàng chục cán bộ y bác sỹ ở đây vẫn ngày đêm hết mình tận tụy chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh phong như thế.

 

Xin thay lời tri ân với các bác sĩ nơi đây bằng chia sẻ bệnh nhân Hà Văn Tây, 82 tuổi (An Giang), khắc khổ trong thân hình dị dạng vì bệnh tật: “Tui bị đã 30 năm. Lúc mới bị bệnh, mình chỉ muốn chết đi cho khỏi khổ vợ con nhưng cũng nhờ vợ con động viên rồi có bác sỹ xem mình như người thân nhờ thế mà tui mới sống được đến giờ”.

 

Doãn Công