1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đà Nẵng: Một tháng, tăng gấp đôi bệnh nhân tay chân miệng

(Dân trí) - Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng Đà Nẵng, chỉ trong hơn 1 tháng (từ 13/6 đến hết ngày 18/7), đã có thêm 174 bệnh nhân so với 108 trường hợp mắc trong 6 tháng đầu năm.

Diễn biến phức tạp
 
Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến hết ngày 18/7, đã có 282 bệnh nhân mắc tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với số liệu tổng hợp trước đó hơn 1 tháng (tính đến 12/6 là 108 ca) và đã phát hiện trường hợp nhiễm vi-rút EV71, một vi-rút gây biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Thực tế, đã có bệnh nhân tử vong do nhiễm EV71 tại các tỉnh, thành khác ở miền Trung như Quảng Ngãi.
 
Theo thông tin mới nhất từ BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Đà Nẵng, đã có một trường hợp bệnh nhân 23 tuổi mắc tay chân miệng, điều trị tại bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Theo đó, việc khoanh vùng đối tượng bệnh tấn công sẽ rộng hơn, không chỉ có trẻ em.

Đà Nẵng: Một tháng, tăng gấp đôi bệnh nhân tay chân miệng - 1

 Bệnh nhân mắc dịch tay chân miệng hiện nay không chỉ có trẻ em

Về mức độ bệnh, nếu tháng 6 chỉ có 3 ca bệnh nặng độ 2b, phải dùng đến thuốc đặc trị chi phí cao (gamma globulin) thì hiện có đến hơn 20 trường hợp hiện cũng đang cần dùng loại thuốc đặc trị này. BS. Nguyễn Quang Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: Mỗi một liều thuốc có giá đến hơn 20 triệu đồng và đã có 2 trường hợp bệnh nhân phải trả đến 30 và 50 triệu đồng cho một đợt điều trị.

Một thách thức khác với công tác phòng chống dịch tay chân miệng tại Đà Nẵng nữa là dòng bệnh từ các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ về điều trị khiến nguy cơ lây lan trong quá trình di chuyển là khó tránh. Ghi nhận của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, trong số gần 600 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh tay chân miệng thì có đến hơn 50% bệnh nhân thường trú tại Quảng Ngãi. Bệnh viện Đà Nẵng cũng thống kê trong hơn 400 bệnh nhân điều trị lưu trú, tập trung tại Trung tân Sản- Nhi, có đến hơn 60% bệnh nhân ngoại tỉnh.

Đà Nẵng: Một tháng, tăng gấp đôi bệnh nhân tay chân miệng - 2

Dòng bệnh từ các tỉnh lân cận đổ về chữa trị khiến khoa điều trị cách ly tại Trung tâm Sản- Nhi có lúc quá tải

Các ý kiến ghi nhận tại buổi làm việc của đoàn công tác Cục Y tế dự phòng tại Đà Nẵng đều chung nhận định, dịch bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp tại Đà nẵng nói riêng, và cả nước nói chung.

Tháng 8 - tháng 10: Nguy cơ bùng phát

Tăng cường công tác phòng, chống dịch, từ khi dịch manh nha bùng phát dịch bệnh tay chân miệng tại các tỉnh, thành khác, đặc biệt là tỉnh lân cận Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã thành lập Ban Phòng chống dịch. Bố trí cơ sở, khám điều trị bệnh cách ly tại Trung tâm Sản- Nhi, tránh nguy cơ dịch lây lan. Đồng thời, tăng cường hàng chục bác sĩ và điều dưỡng tại khoa Y học nhiệt đới.

Ngoài việc khoanh vùng, phun thuốc phòng chống dịch tại các khu dân cư xuất hiện ca bệnh theo chủ trương ban đầu, Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã tăng cường giám sát, tuyên truyền công tác phòng chống dịch đến các trường tiểu học, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Hơn 44 đơn vị trường học được giám sát phòng chống dịch chặt chẽ và hơn 300 đơn vị trường học, nhà trẻ… đã được tuyên truyền, cấp phát, phun thuốc khử trùng môi trường (Cloramin B) thường xuyên.

Đánh giá cao công tác phòng chống và kiểm soát dịch của Đà Nẵng, tuy nhiên, qua kiểm tra, TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết cá biệt vẫn còn một số hộ gia đình chưa biết về dịch bệnh tay chân miệng. Cần tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh sâu rộng hơn.

Đà Nẵng: Một tháng, tăng gấp đôi bệnh nhân tay chân miệng - 3

Cần phòng chống dịch song song với công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình nâng cao ý thức người dân

TS. Trần Thanh Dương nhấn mạnh đây là bệnh phức tạp, có thể đã mắc rồi lại mắc tiếp. Trong thời gian tới, cảnh báo dịch có thể tăng cao trong khoảng tháng 8 - tháng 10. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng chỉ đạo ngành y tế Đà Nẵng cần khoanh vùng, xử lý các ổ dịch theo đúng quy định của Bộ, chú trọng các khu vui chơi, trường học, nhà trẻ…

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng chống dịch; có ý thức đưa đi điều trị và cách ly, xử lý khử trùng môi trường xung quanh khi phát hiện có người bệnh. Trong đó, cần chú ý đây là dịch bệnh có thể lây lan qua đường tiêu hóa nên chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm