1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắm tôm không chứa phẩy khuẩn tả

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết: Kết quả xét nghiệm 194 mẫu mắm tôm tại Thanh Hoá, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam... cho thấy: Tất cả đều âm tính với phẩy khuẩn tả V. Cholerae...

Tuy nhiên, tất cả các mẫu mắm tôm, kể cả của những đơn vị có thương hiệu khi đem đi xét nghiệm đều có lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột vượt quá quy định nhiều lần gồm: Coliorm; Cl.perfringens và Candida albicans.

Như vậy, ngành y tế đã đưa ra kết luận chính thức và công khai "minh oan" cho mắm tôm - món ăn trước đó bị “kết tội” là là thủ phạm chính gây tả qua 3 vụ dịch từ cuối năm 2007 đến nay.
Nhưng ngành Y tế vẫn tiếp tục cảnh báo người dân, đa số mắm tôm khi đã đến tay người dùng đều bị pha loãng với nước, đựng trong các chai lọ thiếu vệ sinh nên khả năng nhiễm khuẩn rất cao. Đây cũng là thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ra bệnh tiêu chảy. Vì vậy, cách dùng mắm tôm an toàn nhất là đun chín trước khi ăn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: Dự báo tình hình dịch tả có nguy cơ lan rộng, vi khuẩn tả đã xuất hiện hầu hết tại các khu vực có dịch, môi trường nước bề mặt, thực phẩm, bàn tay, chất thải...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn cho biết, trong số 44 người được xác định mắc bệnh tả trên địa bàn thành phố thì có tới 16 người đã được uống vắc xin phòng bệnh đợt vừa qua.

Lý do được đưa ra là chỉ có 60% người uống vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Chính vì vậy, nếu có uống vắc xin mà vẫn ăn uống bừa bài thì khả năng “dính” tả là rất cao.

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang chuẩn bị sản xuất loại vắc xin có khả năng phòng bệnh khoảng 80% - 90%. Hiện công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (trực thuộc Viện) đang tiến hành sản xuất loại vắc xin mới này.

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm